Kiên Giang: Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

12:37 12/08/2021

Sự tái bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến nhiều tỉnh, thành gặp khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản địa phương, trong đó có Kiên Giang. Trong bối cảnh đó, ngoài các phương thức tiêu thụ truyền thống thì việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản trên nền tảng số, ứng dụng thương mại điện tử đang là giải pháp đắc lực giúp người nông dân giải quyết được lượng hàng hóa bị ùn ứ, mở rộng thị trường và tiếp cận với xu thế thương mại thời đại công nghệ số.

Trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Viettelpost Kiên Giang hỗ trợ kết nối, vận chuyển 5 tấn hàng hóa từ các hợp tác xã nông nghiệp đến nhà phân phối trong, ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân đưa sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử VOSO.vn để kết nối bán hàng, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Cụ thể, hỗ trợ đưa 14/18 sản phẩm OCOP được chứng nhận của tỉnh lên sàn; hỗ trợ 30 hộ kinh doanh với 45 sản phẩm là các đặc sản, sản phẩm nông, hải sản của địa phương lên sàn để triển khai đẩy mạnh bán hàng số. Qua đó góp phần đảm bảo cung cấp hàng hóa thiết yếu trong thời gian giãn cách xã hội, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh thiết lập, mở rộng điểm bán hàng. Hiện toàn tỉnh có 6 điểm bán hàng gồm: 3 điểm trên địa bàn TP. Rạch Giá, 1 điểm ở huyện An Minh, 2 điểm ở huyện Kiên Lương. Các điểm bán kết nối tiêu thụ nông sản dưới sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương Kiên Giang. Tháng 7/2021, các điểm bán tiêu thụ 10,4 tấn hàng hóa, nông sản các loại của 45 sản phẩm với các nhóm mặt hàng như tôm thẻ, thịt heo, cá, khô, trứng gà, trứng vịt, gạo, nước mắm, trái cây, rau củ. Hai bên phối hợp phân phối đến người dùng qua các kênh online, hotline và offline. Quảng bá sản phẩm, giới thiệu sản phẩm qua mạng xã hội Facebook, Zalo, các phương tiện thông tin đại chúng; cung cấp số điện thoại đầu mối từng điểm bán để khách hàng liên hệ trực tiếp. Bưu điện tỉnh tận dụng lực lượng bưu tá, lái xe để phát hàng đến địa chỉ khách hàng yêu cầu. Cùng với đó, thực hiện quảng bá và đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử PostMart.vn. Theo đồng chí Huỳnh Ngọc Ẩn - Phó Giám đốc phụ trách Bưu điện tỉnh Kiên Giang, với đặc thù của các mặt hàng rau, củ, trái cây là thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn, việc bảo quản khó nên khi hỗ trợ tiêu thụ nông sản đã chuẩn bị phương án đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng. “Các kịch bản vận chuyển từ vườn đến Bưu điện tỉnh và đến khách hàng được Bưu điện tỉnh lên kế hoạch cụ thể, phù hợp tình hình và diễn biến của dịch bệnh. Bưu điện tỉnh tiếp tục hỗ trợ nông sản của các tỉnh bị ảnh hưởng”, đồng chí Huỳnh Ngọc Ẩn cho biết.

Việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp nông dân phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh, về lâu dài đây là kênh tiêu thụ nông sản an toàn, hiệu quả, bền vững, đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam. Dự kiến thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Viettelpost Kiên Giang tiêu thụ nông sản tại địa phương với sản lượng gồm: 20 tấn rau, củ các loại, 10 tấn gạo, 1 tấn cua, 5.000 trứng vịt. Hai bên phối hợp tổ chức bán hàng offline triển khai 15 điểm bán hàng bình ổn giá tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; xây dựng hai kênh bán hàng online trên sàn thương mại điện tử VOSO.vn và website riêng của tỉnh, nhắn tin truyền thông cho 100% thuê bao Viettel trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và đẩy mạnh việc mua hàng online thông qua các kênh phân phối của Viettelpost.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 7/2021, sản lượng các mặt hàng nông sản, sản phẩm thủy sản kết nối tiêu thụ trên địa bàn tỉnh 3.576 tấn; có 7 huyện, thành phố được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Tháng 8/2021, Bưu điện tỉnh dự kiến triển khai thêm 12 điểm bán tại 12 bưu cục cấp 2, nâng tổng số điểm bán lên 18 điểm trên toàn tỉnh. Hỗ trợ các tỉnh bạn tiêu thụ nông sản gồm: 8 tấn nhãn Edor tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang; 7 tấn nhãn xuồng của tỉnh Sóc Trăng, 1 tấn bưởi của Hậu Giang. Qua đó thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, giảm chi phí vận chuyển để giá bán đến người tiêu dùng ổn định, phù hợp. Sở Thông tin và Truyền thông, Bưu điện tỉnh phối hợp một số sở, ngành thông tin kịp thời trên group các mặt hàng nông sản địa phương cần hỗ trợ tiêu thụ để người tiêu dùng nắm thông tin. Theo ông Phan Trọng Lê - Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, các mặt hàng đưa lên sàn Postmart.vn là những đặc sản nổi tiếng hoặc sản phẩm chất lượng cao từ các hộ sản xuất nông nghiệp uy tín. Thông qua sàn, các sản phẩm của địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng các đối tượng người tiêu dùng trên cả nước mà còn có thể tạo thương hiệu riêng, khẳng định chất lượng, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm.

Trần Hà