Không lấy lý do khó khăn kinh tế để trì hoãn các yêu cầu về an ninh an toàn

15:53 01/07/2021

Nhiều chuyên gia cho rằng khó khăn kinh tế thì hướng hỗ trợ nên là về kinh tế, chẳng hạn miễn, giảm, giãn thuế. Không thể vì khó khăn kinh tế mà giảm bớt hay trì hoãn các yêu cầu về an ninh an toàn...

Không nên trì hoãn các yêu cầu về an ninh, an toàn

Liên quan đến việc chốt thời hạn bắt buộc lắp camera trên xe khách, xe tải, hiện đang có nhiều luồng dư luận quan tâm bày tỏ quan điểm.

Theo Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 17/1/2020 của Chính phủ về quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, kể từ ngày 1/7/2021, các loại xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên; ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo sẽ phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3- 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3- 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. (Ảnh: minh họa)

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa, xử lý xe chở quá tải, nhồi nhét khách, chạy sai hành trình, luồng tuyến.

Lắp đặt camea giám sát trên xe kinh doanh vận tải sẽ giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ, hành khách được bảo đảm quyền lợi, Nhà nước cũng làm tốt việc hậu kiểm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự tự giác chấp hành của một số doanh nghiệp vận tải, đa số chủ doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị camera giám sát, nguyên nhân chính do các đơn vị đang ngóng chờ các kiến nghị lùi thời gian xử phạt.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng nêu lý do đang rất khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nếu cộng các khoản chi phí lắp đặt camera khoảng 5-6 triệu đồng/xe, chi phí đội lên cho doanh nghiệp khá lớn. Các doanh nghiệp mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước lùi lại thời hạn xử phạt để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị kỹ càng hơn.

Hôm 14/6 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) đã có văn bản kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải, qua đó gián tiếp lùi thời hạn thực thi quy định lắp camera như đã nêu ở trên.

Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021 (lùi 6 tháng). Từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022, chưa xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên (lùi 12 tháng).

Kiến giải cho kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, đây là biện pháp nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Trong một diễn biến khác, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy vận tải hàng hóa tháng 5/2021 ước tính đạt 139,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển (tăng 2,8% so với tháng trước) và luân chuyển 30,1 tỷ tấn.km (tăng 2,7%). Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 739 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 giảm 8%) và luân chuyển 146,2 tỷ tấn.km, tăng 11,2% (cùng kỳ năm trước giảm 7,5%).

Xung quanh kiến nghị lùi thời hạn xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định lắp đặt camera lên phương tiện kinh doanh vận tải, qua đó gián tiếp lùi thời hạn thực thi quy định lắp camera, nhiều chuyên gia rằng đề xuất lùi là không phù hợp.

Thực tế, có không ít doanh nghiệp vận tải không muốn lắp camera và đang cố gắng lấy lý do dịch giã để trì hoãn. Căn nghuyên chủ yếu là do doanh nghiệp vận tải ngại bị cơ quan quản lý nhà nước giám sát hơn là lý do kinh tế.

Các chuyên gia cũng cho rằng nghị định ra từ tháng 1/2021, hiện đã có 18 tháng để chuẩn bị và đã có khoảng 10% doanh nghiệp lắp camera, việc trì hoãn là bất công cho những đơn vị đã chủ động tuân thủ. Không chỉ có thế, nếu trì hoãn, gia hạn thời gian lắp camer sẽ vô hình trung tạo tiền lệ... xin trì hoãn trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác.

Đáng nói hơn nữa, các chuyên gia cho rằng nếu lấy lý do kinh tế để trì hoãn vấn đề thuộc về an ninh an toàn là không hợp lý. Khó khăn về kinh tế thì hướng hỗ trợ nên bằng các giả pháp về kinh tế (cụ thể như miễn, giảm, giãn thuế...), không nên vì khó khăn kinh tế mà trì hoãn các yêu cầu về an ninh, an toàn.

Lắp camera để bảo đảm an toàn và hỗ trợ chống dịch Covid-19

Trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera đến hết năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam bày tỏ quan đêỉm không đồng thuận và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải vẫn triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn quy định.

Bên cạnh sự tự giác chấp hành của một số doanh nghiệp vận tải, đa số chủ doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị camera giám sát, nguyên nhân chính do các đơn vị đang ngóng chờ các kiến nghị lùi thời gian xử phạt

Bên cạnh sự tự giác chấp hành của một số doanh nghiệp vận tải, đa số chủ doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị camera giám sát, nguyên nhân chính do các đơn vị đang ngóng chờ các kiến nghị lùi thời gian xử phạt. (Ảnh: minh họa)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông.

“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện theo đúng lộ trình quy định. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19" - lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các sở Giao thông Vận tải cần khuyến cáo doanh nghiệp kinh doanh vận tải lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh và không phải thay thế, tránh lãng phí do trong thời gian tới, các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước khi lắp đặt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lưu ý các đơn vị cần kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: số giấy phép của người lái xe, biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (toạ độ GPS-thiết bị định vị) của xe và thời gian theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 9 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.

Khi lắp camera giám sát, doanh nghiệp và cơ quan chức năng hoàn toàn có thể kiểm soát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, cũng như các hành vi mất an toàn giao thông khác.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang sẽ góp sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch. Khi có camera, cũng rất thuận lợi cho việc truy vết nếu không may trên xe có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Theo các chuyên gia công nghệ, nếu có hệ thống camera để giám sát, đo thân nhiệt hành khách, có thể hỗ trợ tốt cho công tác chống dịch, có thể giảm, tránh được các tình huống tương tự. Hiện nay, trên thị trường đã có một số loại camera ứng dụng công nghệ nhân tạo có thể phát hiện hành khách không đeo khẩu trang, đo thân nhiệt hành khách… Nếu các dữ liệu này được cảnh báo một cách đầy đủ lên hệ thống quản lý toàn quốc thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho công tác chống dịch.

H. An