Khi hợp đồng cung ứng với Apple không còn là “kim bài miễn tử” cho nhà cung cấp Trung Quốc

11:44 11/12/2021

Trong ba năm qua, “gã khổng lồ” Apple đã bổ sung thêm số lượng lớn các nhà cung cấp từ Trung Quốc đại lục nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác nhằm hoàn thiện và mở rộng chuỗi cung ứng đa dạng, dồi dào. Do đó, khủng hoảng nguồn cung của hãng điện thoại lớn nhất thế giới ảnh hưởng nặng nề đến tài chính của nhiều nhà phân phối và cung cấp tại thị trường tỉ dân.

Ảnh hưởng chuỗi cung ứng của Apple trở thành gánh nặng tài chính đối với các nhà cung cấp tại Trung Quốc
Ảnh hưởng chuỗi cung ứng của Apple trở thành gánh nặng tài chính đối với các nhà cung cấp tại Trung Quốc. (Ảnh: internet)

Theo báo cáo của truyền thông địa phương, gián đoạn chuỗi cung ứng quy mô toàn cầu cùng các biện pháp kiểm soát chi phí của Apple trong bối cảnh thiếu chip và linh kiện đã dồn các nhà cung cấp Trung Quốc vào thế khó. Cuộc khủng hoảng đã làm ảnh hưởng đến tài chính của nhiều bên, gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các công ty phụ thuộc quá mức vào Apple. Rõ ràng, trong thời kỳ bất ổn do dịch bệnh, trở thành nhà cung cấp của Apple không phải “kim bài miễn tử” có thể đảm bảo tăng trưởng kinh doanh lâu dài.

Trong số các nhà cung cấp ở đại lục của Apple, Lens Technology niêm yết tại Thâm Quyến đã báo cáo lợi nhuận ròng giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 988,8 triệu RMB (155,3 triệu USD) từ tháng 7 đến tháng 9. Công ty truyền thông Sunway Thâm Quyến có lãi ròng là 305 triệu RMB, giảm 26,8% trong cùng kỳ. Kế đó, công ty Điện tử Deren Thâm Quyến ghi nhận khoản lỗ ròng 65 triệu nhân dân tệ, tương đương 227% so với cùng kỳ năm trước trong quý III. Đây chỉ làm một số cái tên trong số hàng trăm nhà cung cấp của Apple thua lỗ trong năm nay. Lin Zhi, nhà phân tích chính của Wit Display cho biết: “Do ảnh hưởng từ giá nguyên vật liệu tăng cao và khủng hoảng chuỗi cung ứng, Apple đã nén biên lợi nhuận của các nhà cung cấp để giảm chi phí, gây ra áp lực lớn cho các bên hợp tác”.

Báo cáo thu nhập của các công ty Trung Quốc được công bố vào tháng 10 cũng là thời điểm Apple thiếu hụt sản lượng nghiêm trọng. “Gã khổng lồ” ra mắt dòng sản phẩm iPhone 13 và iPad mới chỉ một tháng trước đó. Trong hai tháng 9 và 10, sản lượng điện thoại đời mới nhất đã giảm 20% so với kế hoạch trước đó, ngay cả khi “ông lớn” đến từ Hoa Kỳ dồn toàn lực và ưu tiên linh kiện cần thiết cho thiết kế mới. Cùng lúc đó, khối lượng sản xuất của iPad thấp hơn khoảng 50% so với kế hoạch và dự báo sản lượng cho các thế hệ iPhone cũ cũng giảm khoảng 25%.

Theo thông tin từ Securities Daily, thông thường Apple sẽ hạ giá một số mẫu iPhone để thúc đẩy doanh số bán hàng trong dịp cuối năm. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm nên có rất ít khả năng hãng sẽ thực hiện chiến lược giảm giá như những năm trước. Apple đã bổ sung thêm số lượng lớn các nhà cung cấp từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới trong vòng ba năm qua. Cụ thể, dựa trên phân tích của South China Morning Post về danh sách nhà cung cấp của Apple giai đoạn 2017 - 2020, gần một phần ba tổng số các công ty mới đến từ Trung Quốc đại lục, hầu hết có trụ sở tại “thủ phủ công nghệ” Thâm Quyến. Ngoài ra, 200 công ty cung cấp trong năm 2020 của Apple chiếm 98% chi tiêu trực tiếp cho vật liệu, sản xuất và lắp ráp sản phẩm trên toàn thế giới. Gần 80% các nhà cung cấp này có ít nhất một cơ sở sản xuất ở Trung Quốc đại lục.

TL