Intel đang chuẩn bị thúc đẩy cuộc cạnh tranh ngôi vị dẫn đầu với các "ông lớn" TSMC và Samsung

20:20 06/11/2022

Intel đang đẩy mạnh chiến lược "kinh doanh xưởng đúc" để nâng cao vị thế, cũng như vượt mặt 2 nhà khổng lồ là TSMC và Samsung trong lĩnh vực sản xuất chip.

Kể từ khi trở lại Intel với tư cách là Giám đốc điều hành vào đầu năm 2021, Pat Gelsinger đã thực hiện một sứ mệnh: Biến công ty bán dẫn lớn nhất của Mỹ thành một nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn, theo Asia Nikkei.

Sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài - còn được gọi là mảng kinh doanh xưởng đúc là thứ Intel đang nhắm tới. Công ty của Mỹ trước đó tạo dựng danh tiếng khi thiết kế và sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của riêng mình cho PC và máy chủ.

Việc tham gia vào lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng khiến Intel phải cạnh tranh trực tiếp với hai nhà cung cấp của chính họ, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) và Samsung Electronics. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đây là một chiến lược tốn kém. Kể từ khi Gelsinger quay trở lại vào năm 2021, Intel đã lên kế hoạch chi hơn 70 tỷ USD cho việc xây dựng và mở rộng các cơ sở sản xuất chip, hay còn gọi là fabs.

Randhir Thakur, người đứng đầu Intel Foundry Services (IFS), nói với Nikkei Asia: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành xưởng đúc số hai trên thế giới vào cuối thập kỷ này”. IFS được thành lập vào năm ngoái để biến tầm nhìn của Gelsinger thành hiện thực.

Việc nhu cầu sử dụng chip trên toàn cầu chậm lại đã gây áp lực lên phần doanh thu của Intel. Công ty đã báo cáo doanh thu quý III giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái và hạ triển vọng doanh thu cả năm 2022.

Cùng với việc chi tiêu mạnh tay cho mảng kinh doanh xưởng đúc của mình, Intel cũng dự đoán kết thúc năm 2022 với dòng tiền tự do âm từ 2 tỷ đến 4 tỷ USD, so với mức âm 1 tỷ đến 2 tỷ USD mà công ty dự đoán ​​vào đầu năm nay.

Một lý do khiến Intel phải vật lộn để giành được khách hàng là sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty dẫn đầu thị trường. TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, kiểm soát hơn 53% thị trường xưởng đúc toàn cầu trong nửa đầu năm nay, công ty nghiên cứu Trendforce cho biết.

Ông lớn Samsung của Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai, với 16,5% thị phần. TSMC chỉ sản xuất chip cho những công ty khác, bao gồm những đơn vị lớn như Apple, Qualcomm, Nvidia hay Broadcom.

Samsung chủ yếu sản xuất chip để tự phục vụ, nhưng đã trở nên nghiêm túc hơn với hoạt động kinh doanh xưởng đúc của mình trong những năm qua. Năm 2019, họ tuyên bố sẽ chi 133 nghìn tỷ won (115 tỷ USD) vào năm 2030 để mở rộng đơn vị thiết kế chip và kinh doanh xưởng đúc.

Intel đứng sau cả hai công ty này trong công nghệ sản xuất chất bán dẫn, nếu xét trên kích thước các loại chip được đo bằng nanomet. TSMC và Samsung đều bắt đầu sản xuất chip 3 nanomet trong năm nay và đặt mục tiêu đưa chip 2nm vào sản xuất từ năm 2025. Hiện Intel vẫn chưa thể sản xuất hàng loạt chip 5nm, vốn được sử dụng rộng rãi ở các dòng smartphone.

Intel cũng cần xây dựng danh mục sở hữu trí tuệ của bên thứ ba, dịch vụ thiết kế và hệ sinh thái đóng gói cũng như thử nghiệm chip với các đối tác để giúp khách hàng sử dụng quy trình sản xuất của Intel dễ dàng hơn.

Intel vẫn đang làm việc để bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 5 nm và cho biết họ sẽ bắt đầu sản xuất Intel 3. câu trả lời cho công nghệ 3 nm của TSMC, vào nửa cuối năm 2023. Việc sản xuất Intel 18A, nhằm cạnh tranh với chip 2 nm của TSMC, dự kiến ​​sẽ ra mắt vào nửa cuối năm sau.

Chính phủ Mỹ đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy ngành sản xuất chip của nước này trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng và tình trạng thiếu chip trên toàn cầu xuất hiện trong đại dịch COVID-19.

Cả TSMC và Samsung cũng đang mở rộng cơ sở sản xuất của họ ở Mỹ, và hai ông lớn này cũng có mối quan hệ lâu dài cùng danh tiếng và khả năng đã được khẳng định. Tuy nhiên, những thay đổi về địa chính trị có thể mang lại cho Intel cơ hội mà họ đã chờ đợi.

P.V