Thủ tướng phê duyệt đề án ứng phó biến đổi khí hậu trong 10 năm

22:44 26/03/2021

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu của đề án là sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong phát triển đô thị, giảm mức độ ô nhiễm không khí...

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH). Với đường bờ biển dài hơn 3000 km, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hàng năm phải đối mặt với bão, lốc, các hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra hầu như quanh năm và tác động xấu đến nhiều vùng miền, lĩnh vực. Nhận thức được ảnh hưởng của BĐKH trong phát triển bền vững, Việt Nam đã luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với BĐKH. 

Mục tiêu của đề án là sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong phát triển đô thị, giảm mức độ ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất, hạn chế tác động của thiên tai.

Đề án được chia làm 3 giai đoạn. Từ năm 2021 đến 2025, đề án thực hiện tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Giai đoạn 2026-2030, kế hoạch tiếp tục thực hiện tại đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu.

Sau năm 2030, các nhiệm vụ được áp dụng phạm vi toàn quốc.

Để thực hiện các mục tiêu đề ra, đồ án nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ.

Một, điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong 10 năm tới, từ đó tính toán khả năng tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro.

Hai, tích hợp nội dung ứng phó vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị. Ba, rà soát, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định phân loại đô thị, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật trong bối cảnh gia tăng nguy cơ từ biến đổi khí hậu.

Bốn, hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, công trình chứa nước ngầm quy mô lớn. Tìm giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.

Năm, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Và sáu, hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thí điểm phát triển đô thị xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu thân thiện với môi trường...

Sáu, thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, kiến trúc xanh, sinh thái ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.

Để chủ động ứng phó với BĐKH, Việt Nam đã tham gia ký Công ước khí hậu ngày 11/6/1992 và Nghị định thư Kyoto ngày 03/12/1998. Đi cùng với các chính sách này, Việt Nam đã triển khai hàng loạt các chương trình trọng tâm về BĐKH như: Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đề án quản lý phát thải khí nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ các-bon ra thị trường thế giới...

Bên cạnh đó, việc luật hóa các vấn đề ứng phó với BĐKH cũng đã được thực hiện với nhiều văn bản luật như: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Tài nguyên nước, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường. Một số văn bản điều hành ở cấp bộ, ngành như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng… Việc ban hành đồng bộ, có hệ thống các chủ trương, chính sách về BĐKH được xem là định hướng quan trọng cho các hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam

Lâm Nghi