Hội Nông dân tỉnh Bình dương đồng hành cùng nông dân tiêu thụ nông sản

00:55 01/07/2021

Đợt dịch Covid – 19 đang diễn ra khá phức tạp, ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, đời sống, xã hội ở Bình Dương, trong đó, người nông dân cũng gánh chịu những tổn thất nặng nề, khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản. Đồng hành cùng bà con nông dân, Hội Nông dân cùng các cơ quan ban ngành tỉnh Bình Dương đang tìm cách hỗ trợ bà con trong khâu tiêu thụ, tuy nhiên đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, cần hơn nữa là các giải pháp mang tính quyết định đến mùa vụ. Đây là bài toán cần lời giải trong thời gian tới của chính quyền tỉnh Bình Dương.

Cần nhiều giải pháp hơn nữa

Theo số liệu có được từ Hội Nông dân Bình Dương: Chính Quyền tỉnh Bình Dương luôn hỗ trợ ưu tiên về chính sách đầu tư vay vốn cho nhiều hộ nông dân. Đặc biệt, có 284 dự án trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ. 

Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cá nhân, tổ chức nỗ lực giúp bà con tiêu thụ cam
Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã phối hợp với các cá nhân, tổ chức nỗ lực giúp bà con tiêu thụ cam. 

Câu chuyện khó khăn tiêu thụ nông sản trong đợt dịch Covid – 19 bùng phát đã đặt ra nhiều bài toán cho cả chính quyền và bà con nông dân. Bà con nông dân cần sự hỗ trợ, chia sẻ trong việc tiêu thụ nông sản mùa dịch là cần thiết, tuy nhiên sự khó khăn còn xuất phát từ nhiều yếu tố: Thứ nhất, sự bấp bênh về cung cầu làm cho nông sản lên giá, xuống giá bất thường; Thứ hai, với những đặc sản cụ thể cam Bắc Tân Uyên là loại sản phẩm mang giá trị xuất khẩu hoặc các mặt hàng nông sản có thương hiệu của địa phương khiến giá thành cao rất khó tìm đầu ra; Thứ ba, các chợ truyền thống và hiện đại ít nhiều bị tắc nghẽn sẽ ảnh hưởng lớn đến “nồi cơm” của người nông dân trong mùa này. Vậy vấn đề cần phải tháo gỡ không chỉ là sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân mà cần một giải pháp dài hơn cho các sản phẩm nông sản từ chính quyền Bình Dương.

Ông Lương Duy Cảnh, chuyên viên Trung tâm Dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương cho biết: “Qua đợt giải cứu vừa rồi thì có tin vui cho bà con nông dân trồng cam. Sau khi Trung tâm Dạy nghề và Dịch vụ Hỗ trợ Nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương ra chủ trương vận động kêu gọi các cơ quan đoàn thể, cá nhân ủng hộ mua cam thì trong 5 ngày, số lượng tiêu thụ khoảng trên 100 tấn. Hiện tại, chúng tôi đã có một số đơn hàng đặt tiếp khoảng vài tấn cho những ngày tới . Tuy nhiên, cam không còn để bán vì thế về cơ bản hàng đang hiếm nên giá sẽ cao nên các thương lái đã biết được điều này vì vậy họ mua với giá thành tốt và không ép người nông dân nữa. Giải pháp, giải cứu cam của Hội nông dân tỉnh Bình Dương đã được giải quyết một cách nhanh gọn và có hiệu quả….”

Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Dương chung tay  hỗ trợ tiêu thụ cam sành của nông dân tỉnh Bình Dương.
Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Dương chung tay hỗ trợ tiêu thụ cam sành của nông dân tỉnh Bình Dương. 

Tuy nhiên, qua vấn đề nông sản nêu trên ở Bình Dương đã làm rõ một thực trạng về người nông dân làm ra sản phẩm nhưng lại thụ động trong khâu xử lý đầu ra của sản phẩm do nhiều nguyên nhân: thị trường biến động, thiên tai, dịch bệnh… 

Hỗ trợ chỉ là giải pháp trước mắt, cần có kế hoạch lâu dài cho các sản phẩm nông sản tại Bình Dương
Hỗ trợ chỉ là giải pháp trước mắt, cần có kế hoạch lâu dài cho các sản phẩm nông sản tại Bình Dương. 

 Nhiều khó khăn cần tháo gỡ về nông sản

Trong mùa dịch covid-19, nhiều khó khăn cần tháo gỡ, riêng vấn đề nông sản thì gặp nhiều chướng ngại. Với một số nông sản đã được giải cứu trong thời gian diễn ra dịch covid-19 như: dưa lưới, hành tím, măng cụt, sầu riêng, rau ăn lá, đó là những loại thực phẩm có thời gian sử dụng ngắn vì thế rất khó tập trung cho những đơn hàng lớn. Trong đó, yếu tố gom lẻ, bán với nhiều mức giá khác nhau dễ làm cho thị trường “nhiễu giá” nhất là trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Vấn đề  ách tắc rất dễ xảy ra. 

Các sản phẩm nông sản có thời gian sử dụng ngắn luôn là bài toán khó trong khâu tiêu thụ tại thời điểm dịch bệnh
Các sản phẩm nông sản có thời gian sử dụng ngắn luôn là bài toán khó trong khâu tiêu thụ tại thời điểm dịch bệnh. 

Một nguyên nhân quan trọng khác nằm hệ thống giao thương nông sản đều qua thương lái mà không qua giao dịch trực tiếp từ người mua và người bán. Bên cạnh đó, không chỉ riêng Bình Dương mà ở rất nhiều địa phương trồng nông sản và đặc sản thì mỗi hộ gia đình nông dân không thể cung cấp đơn hàng lớn nên rất cần các đơn vị trung gian thu mua cho đủ sống lượng.

Từ thực trạng đó, ở Bình Dương tuy đã có Hội Nông dân tỉnh Bình Dương giúp đỡ, trợ giá, hỗ trợ vay vốn nhưng đó là giải pháp tạm thời, ngắn hạn, “nước đến chân mới nhảy”. Mà người nông dân cần một giải pháp, một trung tâm về nông sản ở đây để giải quyết không chỉ giải cứu, hỗ trợ đầu ra dựa trên các mối quan hệ cá nhân, truyền thông… Vấn đề cần giải quyết là một quy trình từ khâu trồng trọt cho đến đầu ra, không chỉ bán lẻ dựa trên các sàn thương mại điện tử đến việc bỏ mối tại các chợ truyền thống hay hiện đại. Việc cuối cùng phải hoàn chỉnh để giải quyết các đơn hàng lớn, thường xuyên để giúp cho người nông dân thoát khỏi hoang mang trong mùa covid-19 này?

Thiết nghĩ trong thời gian tới, các cấp, các ngành ở Bình Dương cần thêm nhiều nữa các giải pháp, hoạch định, dự báo sản xuất cho bà con nông dân, tránh tình trạng “Được mùa, mất giá”.

Hoàng Thu