Đầu ra đang vướng do dịch bệnh
Với 3 trang trại sản xuất rau sạch với diện tích 2,6ha tại phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát theo tiêu chuẩn VietGgap, sản lượng rau cung cấp ra thị trường ước đạt 1 – 1,5 tấn một ngày của gia đình anh Lê Quốc Hải đang gặp khó trong khâu tiêu thụ.
Anh Hải cũng cho biết, hiện tại phần lớn rau được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, để có thể mang hàng ra các điểm ngoại tỉnh thì rất phức tạp do dịch bệnh. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới việc sản xuất của gia đình tôi mà còn của 7 lao động đang làm việc tại đây.
Bà Đinh Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương thăm thực tế vườn rau của gia đình anh Lê Quốc Hải.
Dọc dòng kênh Phước Hòa thuộc địa phận xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, vườn măng cụt và chôm chôm của anh Ba Châu đang sai trĩu quả. Hàng năm, các thương lái đã có mặt từ sớm để đặt tiền mua, năm nay do dịch bệnh, việc tiêu thụ trở lên khó khăn hơn.
Vườn cây của ông Nguyễn Văn Tỵ, ấp Suối Cát, xã Thanh Tuyền, huyện Dầu Tiếng, diện tích hơn 1ha với khoảng 250 gốc cây măng cụt cũng trong tình cảnh khó tiêu thụ dù đã đến mùa thu hoạch. Chọn hái những trái măng ngả màu đỏ sẫm đầu mùa, ông Tỵ tâm sự: “Mấy năm trước, bình quân mỗi năm, vườn măng này thu hoạch từ 6 - 7 tấn, thu nhập dao động từ 200 - 300 triệu đồng/vụ. Năm nay sức tiêu thụ giảm mạnh do ảnh hưởng dịch bệnh, thương lái ít đến vườn mua, thậm chí còn bị ép giá nên nông dân gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ anh Hải, anh Ba Châu hay ông Tỵ nhiều bà con nông dân với các mặt hàng nông sản nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương như dưa lưới, rau sạch, cây ăn quả đều khó tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, tái sản xuất và đời sống của bà con nông dân.
Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản
Nhằm chủ động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn giúp nông dân tiêu thụ nông sản và tái sản xuất trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương đã có thư ngỏ kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, cán bộ, công nhân viên chức hỗ trợ tiêu thụ một số mặt hàng nông sản trong và ngoài tỉnh đã được chứng nhận VietGap. Tuy nhiên để có thể giải thoát hoàn toàn là một việc vô cùng khó khăn.
Bà Lê Vân Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Dầu Tiếng, chia sẻ: “Chúng tôi cũng đang tìm đầu ra hỗ trợ bà con. Ngoài việc kết nối với các ngành, các địa phương trong và ngoài tỉnh, thời điểm này hội viên nông dân huyện cũng đang hỗ trợ bà con bằng hình thức bán hàng online thông qua tài khoản qua Zalo, Facebook cá nhân nhằm chia sẻ thông tin rộng rãi với hy vọng có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ. Giải pháp lâu dài hơn nữa chính là chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp”.
Chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp đang là giải pháp ưu tiên trong thời điểm dịch bệnh.
Nhằm chung tay với bà con nông dân, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh Bình Dương tư vấn, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng nông sản trên sàn thương mại điện tử thông qua trang website Postmart. Ông Võ Văn Tín, Giám đốc Bưu điện tỉnh, cho biết: “Dự kiến trước mắt sẽ ưu tiên các sản phẩm nông sản đạt chuẩn OCOP. Thời gian tới, chúng tôi sẽ huy động nhân viên ngành Bưu điện tỉnh phối hợp tư vấn, hướng dẫn nông dân cách đưa các sản phẩm lên sàn TMĐT, từng bước tự vận hành gian hàng hiệu quả. Qua đó, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc thù của từng địa phương” .
Thời điểm hiện tại, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid – 19, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đang là định hướng chiến lược phát triển đúng đắn, cần phải khuyến khích và tuyên truyền sâu rộng đến từng người nông dân. Ngoài các sàn thương mại điện tử có thương hiệu như Lazada, Shopee, Tiki… Viettel Post Bình Dương và Bưu điện tỉnh là những đơn vị “chủ lực” hỗ trợ nhà vườn địa phương đưa hàng nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Hoàng Thu