Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp

15:49 19/10/2023

Theo Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh.

Theo Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME), trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp thành viên đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, việc tiếp cận vốn vẫn là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế. Về mặt đất đai và nhà xưởng, giá thuê vẫn đang ở mức cao, cùng với thủ tục phức tạp đã làm mất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm cũng như trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nhà hàng đang gặp thiếu hụt nguồn lao động.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và chế tạo, HANOISME đã nhận định rằng, trong quý II/2023, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng đã có dấu hiệu khởi sắc.

Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội ra đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp
Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội ra đề xuất gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo HANOISME, trong quý II/2023, hai yếu tố "thấp nhu cầu thị trường trong nước" và "sự cạnh tranh cao trong nước" vẫn tiếp tục ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, với tỷ lệ lần lượt là 55,5% và 47,2%.

Cắt điện luân phiên tại một số địa phương ở miền Bắc từ cuối tháng 5/2023 đã tác động đáng kể đến sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp, dẫn đến yếu tố "thiếu năng lượng" trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp, với 8,5% doanh nghiệp lựa chọn, tăng 7,1% so với quý trước. Đây được xem là yếu tố biến động mạnh nhất trong số các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quý II/2023 cũng là quý đầu tiên trong vòng 5 năm gần đây, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công suất máy móc và thiết bị từ 70% đến dưới 90% đã giảm xuống dưới mức 40%.

Kết quả khảo sát quý II/2023 cũng cho thấy, có 75,9% doanh nghiệp phải vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số này, 80,9% doanh nghiệp vay từ ngân hàng, 11,4% vay từ nguồn tài trợ của người thân và bạn bè, còn 6,3% vay từ các tổ chức tín dụng khác...

Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh, chỉ có 24% doanh nghiệp có thể tiếp cận được các gói vay ưu đãi, trong khi 76% còn lại không có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nhận thức rõ những khó khăn trên, thành viên HANOISME mong muốn Chính phủ, thành phố tiếp tục có các giải pháp tập trung vào 6 nhóm vấn đề:

Thứ nhất, đề nghị miễn, giảm tiền thuê đất năm 2023 để duy trì hoạt động kinh doanh của DN. Có giá cho thuê ưu đãi đối với DN làng nghề để thu hút các DN này sản xuất tại các cụm công nghiệp.

Thứ hai, DN đề nghị tiếp tục giảm thuế thu nhập DN phải nộp năm 2023 và các năm tiếp theo để duy trì hoạt động kinh doanh.

Thứ ba, hỗ trợ DN tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động, đào tạo, đào tạo lại, tạo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động. Tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay cho phù hợp với phương án kinh doanh của DN.

Chính phủ sớm sửa đổi Luật Hỗ trợ DNNVV và hướng tới đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV với trọng tâm chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN. Triển khai Chương trình hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025.

Thứ tư, DN đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội cho phép DN được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2023 và các năm tiếp theo.

Thứ năm, DN đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các mắt xích logistics và có giải pháp ổn định chi phí logistics.

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất "dài hơi" để hỗ trợ DN như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh. Cùng với đo là các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối DN trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt, đẩy mạnh hỗ trợ các DN chuyển đổi số.

Với Nhà nước, HANOISME kiến nghị tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi. Trong đó, cần tăng cường cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập DN, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh.

Tiếp tục mở rộng các hình thức đăng ký kinh doanh như đăng ký kinh doanh trực tuyến để tạo điều kiện cho DN sớm gia nhập thị trường và giảm các chi phí không cần thiết. Cải cách hành chính trong thủ tục, quy trình nộp thuế và hoạt động của các tổ chức tín dụng...

Phát triển đồng độ các loại thị trường như thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, khoa học, công nghệ và thị trường lao động để giúp DN dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào cũng như giải quyết các vấn đề đầu ra.

Đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho DNNVV. Trong thực tế, DNNVV tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với nhóm DN này.

Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của DN. Từ đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về DNNVV, cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho DNNVV. Có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho DNNVV.

Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại cho các DN. Do hạn chế về tài chính và nhân lực nên các DNNVV rất khó có thể tự mình nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại.

P.V (t/h)