Hòa Bình: Đánh giá tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

08:23 20/07/2022

Chiều 19/7, Ban chỉ đạo (BCĐ) các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các CTMTQG 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ các CTMTQG tỉnh Bùi Văn Khánh chủ trì hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh kết luận hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh kết luận hội nghị.

Sau khi Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt CTMTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025; CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và CTMTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025..., UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các sở, ngành tập trung triển khai thực hiện nội dung của các Chương trình. Trong quá trình thực hiện từ đầu năm 2022 đến nay, cơ bản đã bám sát các quy định, văn bản hướng dẫn của T.Ư và có cách tiếp cận sáng tạo, phù hợp trong tổ chức thực hiện; các cơ chế, chính sách đều được tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành đảm bảo về mặt thời gian, tương đối đầy đủ, theo hướng dẫn.

Đối với CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ban Dân tộc đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố chỉ đạo và phân công các phòng chuyên môn cấp huyện, thành phố phối hợp với UBND cấp xã chủ động rà soát, cập nhật thực trạng KT-XH và nhu cầu đầu tư, hỗ trợ các dự án thành phần của Chương trình...

Về thực hiện CTMTQG xây dựng NTM, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện trong 6 tháng đầu năm khoảng 1.135,82 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 65 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 50,4% số xã trên địa bàn tỉnh, bình quân tiêu chí các xã đạt 15,67 tiêu chí/ xã (tăng 0,07 tiêu chí so với thời điểm 31/12/2021)...

Với Chương trình giảm nghèo bền vững, tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 gần 161.149 triệu đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 104.965,3 triệu đồng, vốn sự nghiệp 56.183,6 triệu đồng. Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách T.Ư giao, hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang lập kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022...

Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ tỉnh và các đại biểu dự hội nghị, việc triển khai thực hiện các CTMTQG có một số khó khăn do việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc từng CTMTQG nói chung và CTMQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng để các địa phương triển khai thực hiện vẫn chưa được ban hành hoặc chậm ban hành. Thiếu hướng dẫn đồng bộ của các bộ, ngành trong việc ban hành hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn ngân sách T.Ư được giao của các CTMTQG giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025 để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh yêu cầu các sở, ngành chức năng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ theo quy định T.Ư về các CTMTQG giai đoạn 2021-2025. Theo đó, trong 6 tháng cuối năm cần tập trung lập, điều chỉnh kế hoạch thực hiện CTMTQG giai đoạn 5 năm và năm 2022; khẩn trương lập, trình phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2022 theo quy định để đảm bảo tiến độ giải ngân. Giao thời gian cụ thể cho các sở, ngành hoàn thiện việc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện các chương trình, như: Cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, dự án; việc thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối với các dự án; việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước…

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình