Hòa Bình: Chuyển đổi số phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp

08:33 15/03/2024

Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Cán bộ VNPT Hòa Bình trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin bên lề hội nghị chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo.
Cán bộ VNPT Hòa Bình trao đổi về ứng dụng công nghệ thông tin bên lề hội nghị chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Hòa Bình đã tham mưu xây dựng, trình các văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trên địa bàn. Công tác tuyên truyền, thúc đẩy CĐS được quan tâm trên các kênh truyền thông như: Trang thông tin điện tử, điện thoại thông minh, mạng xã hội facebook, zalo, đài truyền thanh cơ sở, treo pano, áp phích, tờ rơi... đồng thời tuyên truyền lồng ghép qua các hội nghị, sinh hoạt cộng đồng. Phát triển ứng dụng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã công bố 1.113 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 745 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trong năm 2023 là 342.249 hồ sơ, đã giải quyết 330.488 hồ sơ, đang giải quyết 11.761 hồ sơ. Trong đó, tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp nhận 89.175 hồ sơ, đã giải quyết 81.212 hồ sơ, đang giải quyết 7.963 hồ sơ. Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, tiếp nhận 253.074 hồ sơ, đã giải quyết 249.276 hồ sơ, đang giải quyết 3.798 hồ sơ.

Trong những năm qua, tỉnh đẩy mạnh đầu tư cho ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Riêng năm 2023, tỉnh đã chi khoảng 126 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, trong đó gần 13 tỷ đồng đầu tư đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Để phát triển hạ tầng số, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet. Trong đó, 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình; 5 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy cập internet băng thông rộng cố định với trên 510 trạm truy cập internet băng thông rộng cố định, chủ yếu là hạ tầng của Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình. Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Với việc đầu tư cho ứng dụng CNTT, hạ tầng số, nhân lực được triển khai đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu CĐS đã góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, doanh nghiệp, bảo đảm khoa học, nhanh chóng, chính xác, văn minh, hiện đại. Từ đó nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, công dân của các cơ quan nhà nước.

Đức Phượng – VPĐD Hòa Bình