Hòa Bình: Cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói hướng tới xuất khẩu

10:18 02/06/2022

Tỉnh Hòa Bình có nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng thích nghi, có khả năng phát triển nhiều loại nông, lâm, thủy sản. Tỉnh cũng có thị trường tiêu thụ khá thuận lợi khi gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập sâu vào nhiều thị trường lớn trên thế giới theo các Hiệp định thương mại ký kết đã mở ra cơ hội lớn về hàng hóa xuất khẩu cho những địa phương có nhiều nông sản đặc trưng .

Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã có những diện tích cây thanh long được cấp mã số vùng trồng.
Huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã có những diện tích cây thanh long được cấp mã số vùng trồng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trong và ngoài nước có sự cạnh tranh mạnh mẽ, nhất là những yêu cầu về kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm (ATTP) đã đặt ra thách thức lớn đối với vấn đề sản xuất, tiêu thụ nông sản (TTNS). Từ thực tế này, việc xác lập, quản lý và khai thác các mã số vùng trồng (MSVT), mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) là giải pháp tốt nhất, bởi giúp chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ khâu tổ chức sản xuất, chứng nhận ATTP đến thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm.

Tại Hòa Bình, hoạt động hỗ trợ cấp MSVT, MSCSĐG được thực hiện từ năm 2019. Đến tháng 4/2022, tỉnh đã cấp được 14 MSVT với 168,73 ha canh tác cho các loại cây trồng là chuối, thanh long, nhãn, bưởi và 10 MSCSĐG (tăng 5 MSVT với 92,43 ha và 4 MSCSĐG so với năm 2020). Các vùng trồng thường xuyên được theo dõi, giám sát về đối tượng sinh vật gây hại và việc tuân thủ các quy định đảm bảo ATTP, kiểm dịch thực vật, góp phần tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhất là hàng xuất khẩu. 

Ngoài những cây trồng đã được cấp MSVT, hiện trong tỉnh có các sản phẩm cam, quýt, bưởi, lúa chất lượng cao nằm trong danh mục sản phẩm chủ lực đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đã, đang phát triển sản xuất hàng hóa là nhãn, thanh long, chuối, bí xanh, bí đỏ. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm lợi thế vùng miền như: Mía tím, mía trắng, chè, ngô nếp, quả ôn đới (hồng, mận, đào), cây gia vị và cây dược liệu (gừng, sả, ớt, tỏi, xạ đen, xạ vàng, giảo cổ lam, sâm cau...), trong đó nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN& PTNT, đến nay, số lượng, quy mô mã số được cấp còn khiêm tốn, kém xa tiềm năng phát triển và yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xác định tầm quan trọng của vấn đề và nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả tổ chức sản xuất các vùng nguyên liệu tập trung, ngày 13/5/2022, UBND tỉnh có Văn bản số 735/ UBND-KTN chỉ đạo việc tăng cường công tác cấp và quản lý MSVT, MSCSĐG đối với sản phẩm trồng trọt. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài chính chủ động tham mưu việc bố trí nguồn lực từ NSNN, các chương trình, dự án theo quy định của pháp luật, hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác cấp và quản lý, giám sát MSVT, cơ sở đóng gói...

Đức Phượng- VPĐD Hòa Bình