Haidilao và sự bùng nổ của “thịt nhân tạo”

11:15 15/03/2021

Đối với nhiều tín đồ ẩm thực, món thịt bò viên đã từng là linh hồn của chuỗi nhà hàng nổi tiếng Haidilao. Thời gian gần đây thịt bò viên tại quầy tự phục vụ của nhà hàng đã được thay bằng “thịt nhân tạo” hương vị thịt bò.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

 “Những viên thịt bò Haidilao đã biến mất!”

Hầu như số đông khách hàng không mấy hào hứng với sản phẩm mới này. Thực chất, “Người bạn đồng hành hương vị” này là một sản phẩm protein từ thực vật, thường được gọi là "thịt nhân tạo". Tuy nhiên việc thay thế bò tươi với bò “giả” khiến nhiều người cho rằng đây có thể là động thái bất lực của Haidilao nhằm giảm chi phí trong bối cảnh sụt giảm doanh thu đến 90% vào năm ngoái. Tuyên bố này sau đó đã bị phía nhà hàng bác bỏ và cho biết thịt bò nhân tạo "Wei Mate" được làm từ công nghệ tiên tiến có giá thành cao hơn thịt bò viên thật.

Trên thực tế, thị trường ngành thịt nhân tạo đang nở rộ. Trước đó đã có nhiều “đại gia” cung cấp dịch vụ ăn uống đã tham gia vào việc khai sáng thị trường này Starbucks, KFC, Heytea, Naixue's tea, IKEA, Hema Xiansheng, v.v. Không lâu trước khi “sự cố bò viên” ở Haidilao xảy ra, McDonald's thông báo đã đạt được hợp tác với Beyond Meat, một công ty thịt nhân tạo hàng đầu của Mỹ nhằm tung ra thị trường các sản phẩm liên quan. Nhãn hàng cũng tuyên bố rằng sẽ bán bánh hamburger rau ở Trung Quốc đại lục thông qua Hema Fresh. Thịt nhân tạo đang thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc. Chỉ là, những sản phẩm thịt "giả" ở giai đoạn này liệu có thể thỏa mãn được sự sành ăn của dân Trung Quốc hay không?

Thịt nhân tạo y như thịt thật?

Vào cuối năm ngoái, Green Common, một công ty thịt nhân tạo nổi tiếng ở Hồng Kông đã mở cửa hàng đầu tiên ở Thượng Hải. Trong ngày khai trương, một số thực khách đã hết lời khen ngợi: "Còn ngon hơn thịt thật!". Green Common sáng tạo sử dụng thịt nhân tạo để chế biến nhiều món ăn Trung Quốc như: bánh bao, gà cay, bò lát, lẩu và nhiều món ăn khác. Tuy nhiên, một số người cho rằng thịt nhân tạo vẫn có vị đậu, khác hẳn với vị và độ dai của thịt thật. Phóng viên còn nhận thấy những loại thịt nhân tạo này về bề ngoài gần giống thịt thật nhờ cảm nhận được độ sần nhưng mùi vị thì quả thực khác xa.

Có hai dạng thịt nhân tạo. Một là thịt protein đậu nành, còn được gọi là "thịt thực vật", và một là "thịt mô phỏng" được làm từ tế bào gốc động vật. Loại thứ nhất thực sự rất phổ biến trong thực phẩm truyền thống của Trung Quốc, chẳng hạn như các sản phẩm đậu nành như "gà chay"; trong khi loại thứ hai là trồng trọt trong phòng thí nghiệm, vẫn chưa được phổ biến do hạn chế về công nghệ và chi phí. Năm 2013, "thịt bò nhân tạo" đầu tiên làm từ tế bào gốc cơ bắp bò ra đời trong phòng thí nghiệm của Đại học Stricht, Hà Lan, khi đó chi phí thí nghiệm lên tới hơn 2 triệu nhân dân tệ. Hiện nay, thịt nhân tạo đang hoạt động trên thị trường chủ yếu là thịt thực vật. Tuy nhiên, sản phẩm đang được chế biến thông qua nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau để ngày càng gần với "thịt thật". 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Ngay từ cuối năm 2019, Green Common đã thông qua Tmall International nhằm thâm nhập và kiểm tra thị trường Trung Quốc, đưa lên kệ hàng chục sản phẩm thịt nhân tạo. Kể từ thời điểm đó, tốc độ tăng trưởng trung bình của công ty đã vượt quá 200%. Năm ngoái, vào dịp Double 11, OmniPork đã bán được 5.865 gói thịt với trọng lượng khoảng 1,4 tấn. Điều này cho phép các công ty kinh doanh thịt “giả” lần nữa nhận định thị trường thịt nhân tạo trong nước sẽ bùng nổ.

Tương lai của thịt nhân tạo

Các công ty thịt nhân tạo không chỉ nhắm đến đối tượng những người ăn chay. Theo báo cáo nghiên cứu của MarketsandMarkets, thị trường thịt nhân tạo từ thực vật toàn cầu đã đạt 12,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019 và dự kiến ​​sẽ đạt 27,9 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.

Nhà sáng lập Beyond Meat, Ethan Brown, cũng rất lạc quan về thị trường tỷ dân: "Trung Quốc là một trong những thị trường sản phẩm thịt động vật lớn nhất thế giới và cũng có thể trở thành thị trường thịt làm từ thực vật lớn nhất thế giới. Tiềm năng thị trường của các sản phẩm thịt nhân tạo là rất lớn". Sau khi tuyên bố thâm nhập thị trường bán lẻ Trung Quốc đại lục vào tháng 7 năm ngoái, Beyond Meat đã xây dựng nhà máy ở Gia Hưng, Chiết Giang chỉ hai tháng sau đó. Khái niệm thịt nhân tạo cũng đã giành được sự ủng hộ của các quỹ đầu tư trong đó có sự góp mặt của Bill Gates hay Li Ka-shing. Các nhà đầu tư lạc quan về sự phát triển trong tương lai của thịt nhân tạo, tin rằng sản phẩm “thân thiện với môi trường”, “lành mạnh” hơn và đại diện cho hướng đi trong tương lai. Bill Gates từng phân tích dưới góc độ thành phần cholesterol thấp, thịt nhân tạo tốt cho sức khỏe hơn thịt thông thường. Ngoài ra, thịt giả cũng có thể làm giảm các vấn đề lạm dụng động vật và quản lý phân bón.

Zhang Tao, đồng sáng lập của Dao Foods International, công ty tập trung đầu tư vào thịt nhân tạo, nói với Tianxia.com rằng ông đã dành một năm để nghiên cứu tính khả thi của thịt nhân tạo tại thị trường Trung Quốc và cách đây 4 năm vị CEO quyết định tham gia cuộc chơi. Zhang Tao dự đoán: "Sự phát triển của thị trường thịt nhân tạo của Trung Quốc nhanh hơn tôi tưởng tượng. Dù vẫn còn ở giai doạn đầu nhưng xét từ góc độ sản phẩm hay kỹ thuật, chúng tôi rất tin tưởng vào sự phát triển của sau này". 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

 Thị trường Trung Quốc hưởng ứng thịt nhân tạo?

Tuy nhiên, việc đầu tư vào thịt nhân tạo ở Trung Quốc đòi hỏi sự kiên nhẫn. Theo ông Zhang “Phải đến năm 2019, thịt thực vật mới được thị trường Hoa Kỳ chấp nhận và tiêu thụ ngày càng nhiều hơn vào năm 2020, nhưng thị trường Trung Quốc cần thời gian để người tiêu dùng chấp nhận”.

Vốn là nền ẩm thực cầu kỳ và kén chọn bậc nhất thế giới, người dân Trung Quốc hiện tại vẫn chuộng thịt tươi hơn thịt giả và chỉ có một nhóm nhỏ những người ăn kiêng, tập thể dục hay ăn chay tiêu dùng sản phẩm mới. Zhang Tao hy vọng rằng thịt nhân tạo có thể bao phủ người tiêu dùng đại trà ở Trung Quốc: “Trọng tâm của chúng tôi là thế hệ trẻ ở trong nước. Chúng tôi hy vọng rằng những người trẻ tuổi sẽ yêu thích thịt nhân tạo thông qua sức ảnh hưởng những nhãn hàng ăn nhanh và các cửa hàng tiện lợi quen thuộc”.

Dù vướng phải những phản ánh tiêu cực của khách hàng nhưng những nhãn hiệu tiên phong trong sử dụng thịt nhân tạo thay thế như Haidilao phần nào đã cho thấy xu hướng thịt “giả” có tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai.

TL