Hạ viện Mỹ cấm nhân viên sử dụng phần mềm AI Copilot của Microsoft

11:59 01/04/2024

Việc cấm cản sẽ áp dụng cho phiên bản thương mại, bao gồm cả bản trả phí và miễn phí. Phiên bản dành riêng cho chính phủ hiện vẫn chưa được tung ra, nhưng dự kiến sẽ được xem xét trong thời gian tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trưởng văn phòng hành chính quản trị Hạ viện Mỹ Catherine Szpindor đã đưa ra hướng dẫn chung cho các Văn phòng Quốc hội, yêu cầu không sử dụng ứng dụng Copilot của Microsoft. Copilot là nền tảng sử dụng AI để tương tác với người dùng, có thể trò chuyện và trả lời câu hỏi bằng văn bản (còn gọi là chatbot), tương tự như ChatGPT của hãng OpenAI.

"Ứng dụng Copilot của Microsoft đã bị Văn phòng An ninh mạng coi là rủi ro cho người sử dụng do mối đe dọa rò rỉ dữ liệu Hạ viện cho các dịch vụ đám mây không thuộc Hạ viện phê duyệt", trang Axios trích từ thông báo cho biết, nói thêm rằng ứng dụng sẽ bị gỡ và chặn trên toàn bộ thiết bị sử dụng hệ điều hành Windows của Hạ viện.

Việc cấm cản sẽ áp dụng cho phiên bản thương mại, bao gồm cả bản trả phí và miễn phí. Phiên bản dành riêng cho chính phủ hiện vẫn chưa được tung ra, nhưng dự kiến sẽ được xem xét trong thời gian tới.

Người này cho biết thêm, Copilot sẽ bị xóa và chặn trên tất cả các thiết bị Windows của tất cả các văn phòng trực thuộc hạ viện.

Trong khi đó, đại diện Microsoft nói rằng, họ nhận thấy “người dùng trong khối chính phủ có yêu cầu bảo mật dữ liệu cao hơn” và công ty đã công bố lộ trình các công cụ AI như Copilot đáp ứng yêu cầu về tuân thủ và bảo mật của chính phủ liên bang vào cuối năm nay.

Hiện các nhà lập pháp Mỹ đang xem xét rủi ro tiềm ẩn đối với việc sử dụng AI trong các cơ quan liên bang, cũng như các biện pháp đảm bảo quyền riêng tư cá nhân và đối xử công bằng.

Cũng theo Axios, trước đó, vào tháng 6 năm ngoái, hạ viện Mỹ cũng đã hạn chế việc sử dụng ChatGPT đối với nhân viên, cấm hoàn toàn sử dụng bản miễn phí và sử dụng có điều kiện với các phiên bản đăng ký trả phí của ứng dụng này.

Sự phát triển của AI cùng “cơn khát” dữ liệu để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo tổng quát lớn như ChatGPT, Copilot… cũng khiến không ít cơ quan chính phủ, tổ chức và doanh nghiệp e ngại về vấn đề quyền riêng tư và cá nhân cho người dùng. Tuy nhiên, dưới sức hấp dẫn và những lợi ích mà các phần mềm trí tuệ nhân tạo này đem lại, nhiều nơi đã quyết định trả phí để được sử dụng những phiên bản mà nhà cung cấp cam kết không thu thập dữ liệu, không dùng dữ liệu để đào tạo AI.

Về phía Microsoft, công ty này đang thảo luận với OpenAI - startup sở hữu ChatGPT để xây dựng một trung tâm dữ liệu có thể lên tới 100 tỷ USD, có tên “Stargate” (Vòm sao), dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2028.

Sự bùng nổ của AI tổng hợp đã dẫn đến nhu cầu tăng vọt đối với trung tâm dữ liệu thế hệ mới, có khả năng xử lý tác vụ nâng cao hơn so với truyền thống.

Tờ The Information dẫn nguồn tin cho hay, nhiều khả năng Microsoft sẽ “duyệt chi” dự án có giá trị gấp 100 lần những trung tâm dữ liệu lớn nhất hiện có. Theo đó, siêu máy tính tại “Stargate” sẽ là loại lớn nhất trong chuỗi máy chủ các công ty này đặt tại Mỹ trong vòng 6 năm tới.

Theo Reuters, “Stargate” là trung tâm dữ liệu có siêu máy tính “giai đoạn năm”. Trong khi đó, Microsoft đang phát triển một siêu máy tính “giai đoạn thứ tư”, nhỏ hơn cho OpenAI, để ra mắt vào năm 2026.

Thu Trà (t/h)

Tags: