Hà Lan chi 2,7 tỷ USD để giữ chân "gã khổng lồ" sản xuất thiết bị bán dẫn ASML

17:02 29/03/2024

Theo Reuters, phản ứng trước nỗ lực giữ chân của Chính phủ Hà Lan, ASML bày tỏ hoan nghênh nhưng cho biết họ vẫn đang trong quá trình quyết định nơi sẽ phát triển trong tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 28/3, Reuters dẫn thông báo của Chính phủ Hà Lan rằng, 2,5 tỷ euro (2,7 tỷ USD) sẽ được cho cho khu vực Eindhoven, nơi ASML đặt trụ sở. Bộ trưởng Kinh tế Micky Adriaansens xác nhận, đây là một phần trong "Chiến dịch Beethoven" để ASML không có kế hoạch rời đi. Ngoài ra, Nội các Hà Lan cũng dự định giảm gánh nặng thuế cho các doanh nghiệp.

"Khi những chính sách này được thực hiện, Chính phủ tin ASML sẽ tiếp tục đầu tư và duy trì trụ sở chính ở Hà Lan", người phát ngôn của Nội các nói.

Số tiền này sẽ được chi trong vài năm để cải thiện nhà ở, cơ sở giáo dục, giao thông và lưới điện tại trung tâm công nghệ Eindhoven thuộc thành phố cùng tên. ASML đặt trụ sở tại Veldhoven, giáp với Eindhoven.

ASML là công ty công nghệ lớn nhất châu Âu và là nhà cung cấp thiết bị hàng đầu để sản xuất chip trên toàn cầu. Đây cũng là công ty duy nhất hiện nay có máy khắc quang học cực tím (EUV) dùng để sản xuất hàng loạt loại chip tiên tiến nhất thế giới.

Theo Reuters, phản ứng trước nỗ lực giữ chân của Chính phủ Hà Lan, ASML bày tỏ hoan nghênh nhưng cho biết họ vẫn đang trong quá trình quyết định nơi sẽ phát triển trong tương lai.

Công ty này tin rằng, việc cải thiện giao thông và cơ sở hạ tầng tại Eindhoven sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các công ty công nghệ tại đây mà còn cho toàn bộ Hà Lan.

ASML khẳng định, họ kỳ vọng sẽ có tăng trưởng "đáng kể" ở Hà Lan, miễn là được hỗ trợ bởi "các điều kiện kinh doanh thuận lợi như sự sẵn có của nhân tài chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, nhà ở công cộng"...

"Quyết định mà chúng tôi cần đưa ra không phải là liệu chúng tôi có ở lại Hà Lan hay không mà là chúng tôi sẽ phát triển ở đâu", ASML nhấn mạnh trong tuyên bố gửi đến truyền thông.

ASML đã khiến Chính phủ Hà Lan phải hành động sau khi Giám đốc điều hành Peter Wennink tháng này đã công khai phàn nàn về chính sách, trong đó có kế hoạch chấm dứt chính sách miễn giảm thuế cho người lao động nhập cư có trình độ cao, khiến ASML khó chiêu mộ nhân tài hơn.

ASML còn cho rằng, chính phủ đã không đầu tư đúng mực để cải thiện cơ sở hạ tầng ở vùng Eindhoven.

Một khảo sát của hãng tin Reuters đối với các công ty lớn của Hà Lan trong tháng này cho thấy nhiều công ty đang cân nhắc chuyển hoạt động ra nước ngoài.

Trước đó, Shell và Unilever đã chuyển trụ sở sang London, sau khi Chính phủ Hà Lan năm 2018 đã không giữ cam kết sẽ bỏ thuế khấu trừ tại nguồn đối với cổ tức.

Tú Anh (T/h)

Tags: