ASML bị đánh cắp dữ liệu về công nghệ độc quyền

23:48 17/02/2023

Các nguồn tin cho biết thêm vụ việc liên quan đến thông tin công nghệ chứ không phải phần cứng. Nó được một nhân viên nam của công ty âm thầm thực hiện trong suốt nhiều tháng qua.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo Bloomberg, ASML Holding, nhà sản xuất máy in thạch bản quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, cho biết một cựu nhân viên ở Trung Quốc đã đánh cắp dữ liệu về công nghệ độc quyền của công ty, vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. ASML đã báo cáo vụ việc cho chính quyền và bắt đầu đánh giá nội bộ, đồng thời thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả. 

Hàng động trên vi phạm một số quy định kiểm soát xuất khẩu nhưng không gây tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, ASML cho biết trong báo cáo thường niên công bố mới đây. Công ty này đã ngừng xuất khẩu máy sang Trung Quốc dưới áp lực của Mỹ, tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất chip thế hệ mới của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trước thông tin trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố không biết gì về vụ việc.

Đây lần thứ hai trong nhiều năm ASML tố cáo cá nhân và tổ chức từ Trung Quốc. Một năm trước, nhà sản xuất thiết bị Hà Lan đã cáo buộc một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh có khả năng đánh cắp bí mật thương mại. Hiện không rõ những dữ liệu bị đánh cắp có được dùng trong việc phát triển hệ thống in thạch bản hay không.

Các nguồn tin cho biết thêm vụ việc liên quan đến thông tin công nghệ chứ không phải phần cứng. Nó được một nhân viên nam của công ty âm thầm thực hiện trong suốt nhiều tháng qua. Sự việc cũng đã được cung cấp thông tin cho các nhà chức trách Mỹ.

ASML là công ty chuyên sản xuất các loại máy móc cần thiết để sản xuất chip hiệu suất cao, được dùng trong mọi thứ từ xe điện đến thiết bị quân sự…. Chính bởi thế, công ty này còn được coi là mắt xích quan trọng bậc nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn. Điều này cũng khiến ASML trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công nhằm đánh cắp công nghệ.

ASML là một trong những nhân tố chính trong cuộc căng thẳng công nghệ đang gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt về quyền tiếp cận các máy sản xuất chip tiên tiến. Chính quyền Washington đã thực hiện hạn chế sâu rộng đối với khả năng xuất khẩu thiết bị sản xuất chip của các công ty Mỹ vào tháng 10.2022, đồng thời thuyết phục Hà Lan và Nhật Bản tham gia nỗ lực này.

Dưới áp lực từ Mỹ, chính phủ Hà Lan đã áp đặt biện pháp hạn chế ASML bán máy móc tiên tiến nhất cho Trung Quốc kể từ năm 2019. Giám đốc điều hành ASML Peter Wennink đã phản đối một số hạn chế đối với khả năng bán hàng vào đại lục. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ phát triển lựa chọn thay thế trong nước nếu không thể mua thiết bị từ phương Tây.

Trong báo cáo hôm 15.2, ASML nói những hạn chế mới đối với xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến thu nhập năm 2023. Trong phần mở đầu của báo cáo, ông Wennink cho biết ASML hiểu rằng chính phủ Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đã đạt được một số thỏa thuận vào cuối tháng 1/2023, nhưng không có chi tiết nào được tiết lộ công khai, và nếu có bất kỳ hạn chế mới nào, thì cũng cần mất nhiều tháng để soạn thảo và ban hành.

Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu chip hiệu suất cao và các công cụ sản xuất ra chúng sang Trung Quốc có thể khiến lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc tụt hậu nhanh chóng. Và nó nhanh chóng ảnh hưởng tới lĩnh vực khoa học công nghệ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Thu Hà