Gỡ vướng để logistics phát triển đúng tiềm năng, hỗ trợ xuất khẩu

16:23 13/07/2022

Thời gian tới, cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và logistics là điều kiện quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.

Tại Việt Nam, logistics được phát triển từ những năm 1990. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, logistics đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế.

Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật về logistics ngày càng được hoàn thiện; kết cấu hạ tầng logistics trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đầu tư và đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy tốt hiệu quả; dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12% đến 14%, tỉ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. 

Gỡ vướng để logistics phát triển đúng tiềm năng, hỗ trợ xuất khẩu
Gỡ vướng để logistics phát triển đúng tiềm năng, hỗ trợ xuất khẩu.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trước thực trạng trên, trong thời gian qua các cơ quan chức năng cũng đã tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, tạo thuận lợi trong hoạt động logistics. Một nghiên cứu tiền khả thi về chống ùn tắc và tạo thuận lợi trong hoạt động logistics tại cảng Cát Lái cũng đã được thực hiện bởi Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ.

Thời gian tới, cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao và logistics là điều kiện quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững; đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển hệ thống logistics, nhất là liên kết về hạ tầng giao thông, hệ thống lưu chuyển hàng hóa đến các trung tâm logistics và liên kết các DN sản xuất - XNK với DN logistics.

PV