Gỡ khó khi phát triển cây trồng, vật nuôi ở phố

00:00 12/10/2020

(DNHN). Đô thị hóa ở nước ta đã và đang phát triển nhanh chóng, đi kèm với nó là sự gia tăng về dân số. Điều này đã đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Do vậy, triển khai các mô hình nông nghiệp gắn với đô thị đang được không ít địa phương thực hiện và bước đầu đã đem lại những thành công nhất định. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng, để thực hiện hiệu quả hơn vấn đề này cần có sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Nhà nước.

trong-rau-sach

Trồng rau sạch theo mô hình công nghệ cao tại TP.HCM

Tại Hội thảo “Khuyến nông với sự phát triển đô thị” vừa được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại TP.HCM, đại diện Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết: Thành phố đang trong tiến trình đô thị hóa với tốc độ nhanh và dự kiến đến năm 2020 diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp chỉ còn hơn 80.000 ha, giảm bình quân hơn 1200ha/năm. Từ thực tế khách quan đó, mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi đã được Thành phố tập trung thực hiện từ năm 2000.

Trải qua 3 giai đoạn với 15 năm thực hiện nông nghiệp, Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng, cụ thể: Diện tích đất lúa giảm 75%, trong khi diện tích các cây trồng, vật nuôi trọng điểm như rau, hoa, bá cảnh, bò sữa tăng. Với việc chuyển dịch này và cơ cấu cây trồng hiện tại, nông nghiệp đô thị tại Thành phố đã hình thành và đang phát triển. Trong năm 2015, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Thành phố  đạt 1628 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp trong năm 5 gần đây của Thành phố tăng trung bình 6%/năm.

 

Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho rằng: “Tăng dân số ở đô thị là kết quả tất yếu của quá trình công nghiệp hóa, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ nên việc xây dựng nông nghiệp đô thị cũng chính là phát triển nông nghiệp bền vững”.

 Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Tp. Cần Thơ cho hay, chúng tôi đã trực tiếp triển khai nhiều mô hình khuyến nông, góp phần vào việc thúc đẩy và hình thành vùng sản xuất nông nghiệp đô thị, điển hình như các mô hình “Trồng hoa cúc từ cây cấy mô” ở các phường Long Hòa, Long Tuyền, quận Bình Thủy; mô hình sản xuất rau theo truyền thống củ và áp dụng kỹ thuật mới mang lại hiệu quả cao cho bà con nông dân. Ngoài ra, Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư của Cần Thơ bước đầu đã triển khai “Đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh TP.Cần Thơ”, trong đó có phần xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị như mô hình sản xuất hoa kiểng, cây cảnh, cá cảnh, nấm linh chi, các loại động vật hoang dã như ba ba, trăn, phù hợp với điều kiện đất đai hạn chế nhưng mạng lại hiệu quả kinh tế cao.

Đà Lạt được mệnh danh là “Xứ sở của các loài rau và hoa”, nhiều năm qua, Thành phố này đã tạo ra được lượng sản phẩm khổng lồ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 4.600 ha sản xuất rau, hoa tại Đà Lạt thì diện tích ứng dụng công nghệ cao có nhà kính 3.200 ha, tạo ra sản phẩm hàng hóa khá lớn 285.000 tấn rau, 1,04 tỷ cành hoa, giá trị xuất khẩu rau hoa đạt gần 3,6 triệu USD, nghành nông nghiệp chiếm 9,4% trong cơ cấu kinh tế của Thành phố. Trong 10 năm gần đây, thông qua chương trình nông nghiệp công nghệ cao, Đà Lạt đã tạo được cơ hội hợp tác quốc tế trong đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho trên 2.000 lượt người về kiến thức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, triển khai được nhiều mô hình sản xuất nông sản có chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia như ORGANIK, HACCP, GlobalGAP, VietGAP. Hiện nghành nông nghiệp Lâm Đồng có trên 100 giống rau, 60 giống hoa, trong đó tỷ lệ giống mới trong các loại rau chiếm tới 80%.

Khác với các tỉnh, thành trên, Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và đầm Lăng Cô với tổng diện tích hàng vạn ha, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản.

Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến Nông - Lâm - Ngư tỉnh chia sẻ: “Thời gian gần đây, chúng tôi đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng vùng sản xuất, vùng ương giống tập trung để nuôi tôm chân trắng trên cát, điều này đã đem lại kết quả khả quan. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 443 ha, với sự tham gia của 4 công ty và 147 nhóm hộ và hộ, với năng suất nuôi trung bình là 13,1 tấn/ha/vụ, sản lượng đạt gần 5.700 tấn”. Ngoài ra, một số mô hình nuôi có hiệu quả được người dân và các doanh nghiệp áp dụng như: Uơng tôm 30 ngày sau đó thả vào ao nuôi thịt, rút ngắn thời gian nuôi và hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong ao nuôi; mô hình đưa các lồng cá rô phi nuôi ở giữa ao nuôi tôm chân trắng đã cải thiện được tình trạng môi trường đáng kể.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị quan trọng. Đại diện TP.Cần Thơ cho rằng, “sản xuất nông nghiệp đô thị là loại hình sản xuất mới và mang tính đặc thù của từng vùng miền. Vì vậy, chương trình khuyến nông cần thiết phải đầu tư cũng như cần có các hoạt động khuyến nông để giúp nông dân trong đô thị thay đổi tập quán canh tác truyền thống, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao và mô hình quản lý tổ chức sản xuất mới, phù hợp với điều kiện sản xuất, tiêu thụ của đô thị và phải đảm bảo vấn đề môi trường”.

TS Trần Viết Mỹ đề nghị, cần sự phối hợp chặt chẽ với các cấp quản lý của địa phương, các đơn vị thuộc sở để cùng hỗ trợ kịp thời và thiết thực cho hoạt động khuyến nông. Tăng cường mối liên kết, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu như các viện, trường để cập nhật kiến thức khoa học, bồi dưỡng khả năng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Thực hiện liên kết doanh nghiệp - khuyến nông - nông dân trong tổ chức hoạt động, tăng cường mối liên kết với đối các doanh nghiệp nhằm tìm kiếm cơ hội gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp và thực hiện xã hội hóa hoạt động khuyến nông.

Trong khi đó, với lợi thế của mình, ông Châu Ngọc Phi, đại diện tỉnh Thừa Thiên- Huế mong muốn: Nhà nước cần có những chính sách phù hợp và kinh nghiệm quý báu từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp và sự góp sức của toàn thể người nuôi, trồng để phát triển theo hướng ổn định, bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường.

Bài và ảnh: Tấn Anh