Gián đoạn chuỗi cung ứng thúc đẩy kế hoạch mở rộng sản xuất chip ở Mỹ của TSMC

10:05 03/12/2022

TSMC đã thay đổi kế hoạch và dự kiến cung cấp chip 4 nm khi nhà máy thứ hai trị giá 12 tỷ USD của họ ở Mỹ khai trương năm 2024.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Tại Phoenix, Arizona, TSMC đang sản xuất các mẫu chip trên tiến trình 5 nm - một tiêu chuẩn sẽ không còn mới vào năm 2024. Trong khi đó, hãng đã triển khai các dây chuyền 4 nm và tiến tới 3 nm vào năm sau tại nhà máy ở châu Á.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, TSMC đã thay đổi kế hoạch và dự kiến cung cấp chip 4 nm khi nhà máy thứ hai trị giá 12 tỷ USD của họ ở Arizona khai trương năm 2024. Hai nhà máy sau đó cũng có thể sản xuất chip trên tiến trình 3 nm. Quyết định được đưa ra sau khi đàm phán với các khách hàng lớn của họ ở Mỹ, đặc biệt là Apple.

TSMC dự kiến ​​​​sẽ công bố kế hoạch này khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đến thăm Phoenix để dự một buổi lễ vào ngày 6/12, Bloomberg News dẫn các nguồn tin, yêu cầu giấu tên vì vấn đề riêng tư.

Đại diện TSMC từ chối bình luận. Đại diện Apple chưa đưa ra phản hồi về thông tin này.

Trước đây, TSMC cho biết có thể xuất xưởng 20.000 tấm wafer silicon (vật liệu nền để sản xuất vi mạch tích hợp) mỗi tháng tại Arizona. Tuy nhiên, nguồn tin nói công ty đang lên kế hoạch tăng sản lượng do nhu cầu cao từ Apple. Hãng sở hữu iPhone dự kiến sử dụng khoảng 1/3 lượng chip mà TSMC cho ra lò ở Mỹ.

Apple là một trong những công ty thúc đẩy TSMC chuyển nhà máy tới Mỹ. Họ đang sử dụng hầu hết chip được gia công từ TSMC cho các sản phẩm của mình và chiếm 25% doanh thu hàng năm của hãng Đài Loan.

Apple và các công ty công nghệ lớn khác của Mỹ hoàn toàn dựa vào nguồn cung cấp chip từ TSMC cho nhu cầu sản xuất và sự thay đổi này có nghĩa là các công ty sẽ có nhiều bộ vi xử lý tiên tiến hơn trong lãnh thổ Mỹ. Trước đây, giám đốc điều hành Apple Tim Cook, phát biểu với các nhân viên cho biết công ty có kế hoạch lấy nguồn chip từ nhà máy ở Arizona. 

Apple là một trong những công ty thúc đẩy TSMC chuyển nhà máy tới Mỹ
Apple là một trong những công ty thúc đẩy TSMC chuyển nhà máy tới Mỹ.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và và cuộc chiến công nghệ kéo dài với Trung Quốc đã thúc đẩy nỗ lực mở ra nhiều mô hình sản xuất hơn ở Mỹ và châu Âu. Các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và CHIP trong năm 2022, cung cấp 50 tỉ USD ưu đãi cho các công ty muốn sản xuất linh kiện bán dẫn trong nước. TSMC có khả năng sẽ nhận được hàng tỷ USD trợ cấp từ chính phủ Mỹ.

Khả năng Trung Quốc tiếp quản Đài Loan cũng làm dấy lên lo ngại về việc phụ thuộc vào khu vực đó để cung cấp quá nhiều nguồn linh kiện điện tử hiện nay cho ngành công nghiệp bán dẫn. TSMC, có trụ sở chính trên đảo, là nhà cung cấp chip hàng đầu thế giới cho mọi trang thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh đến xe điện. Hầu hết các nhà máy sản xuất của TSMC vẫn tập trung tại Đài Loan.

Ngoài Apple, các khách hàng của TSMC như Advanced Micro Devices Inc, Nvidia Corp. cũng yêu cầu công ty Đài Loan sản xuất những chip tinh vi hơn tại nhà máy ở Arizona, theo những nguồn tin, quen thuộc với các cuộc đàm phán giữa các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ ở Mỹ và châu Âu.

Mai Hà (t/h)