Giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

00:00 12/10/2020

Cổ phần hóa (CPH), thoái vốn, nâng cao năng lực quản trị... đang được Chính phủ đẩy mạnh để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tuy nhiên vẫn còn khó khăn, vướng mắc và cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.

Toàn cảnh hội thảo.

Đây cũng là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo khoa học “Tái cơ cấu DNNN ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, do Khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội. 

Nhiều nguyên nhân khiến CPH, thoái vốn chưa đạt mục tiêu

Tại hội thảo, PGS.TS Bùi Văn Vần, Trưởng Khoa Tài chính DN cho rằng, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các DNNN vẫn còn thấp, chưa đạt được sự kỳ vọng và tương xứng với các nguồn lực đang nắm giữ; tiến trình sắp xếp đổi mới và thoái vốn của các DNNN chưa đạt so với yêu cầu. Đặc biệt, công tác quản trị DN của các DNNN chưa đáp ứng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. 

PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh, Phó trưởng Khoa Tài chính DN cho biết, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (gồm 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018), tuy nhiên tiến độ triển khai còn  chậm, có khả năng không đạt kế hoạch. Trong đó, 9 tháng đầu năm 2018 mới có 11 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH (CPH 10 DNNN và 1 đơn vị sự nghiệp). 

PGS.TS Đoàn Hương Quỳnh cho rằng, tiến độ CPH chưa đạt yêu cầu có nguyên nhân do biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán và việc bán cổ phần, thoái vốn của các DN.

Bên cạnh đó, khâu chuẩn bị của nhiều DNNN bị chậm lại do chất lượng định giá DN CPH của nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ thẩm định có độ tin cậy thấp; quy chế lựa chọn, giám sát hoạt động tư vấn và xác định giá trị DN chưa gắn trách nhiệm của tổ chức tư vấn, định giá với việc bán cổ phần.

Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa quyết liệt trong công tác sắp xếp, đổi mới DN. Việc thoái vốn nhà nước tại DN chưa đăng ký giao dịch, niêm yết gặp vướng mắc khi áp dụng Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại DN.

Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN còn chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội; một số vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước CPH cũng khiến cho thời gian thực hiện CPH của nhiều DN bị kéo dài thêm. 

Tái cơ cấu để nâng cao năng lực quản trị DNNN 

Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, TS. Phạm Thị Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Tài chính DN (Khoa Tài chính DN) đưa ra một số giải pháp. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định giá trị vốn, tài sản nhà nước tại DN để CPH, thoái vốn. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong thực hiện phương án sắp xếp, CPH, tái cơ cấu DN đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán; mời tư vấn quốc tế và trong nước có uy tín tham gia vào quá trình tái cơ cấu DNNN; xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. 

Theo PGS. TS Bùi Văn Vần, tái cơ cấu DNNN là yêu cầu tất yếu, nhưng phải phù hợp với tiến trình chuyển đổi từ phát triển kinh tế theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, mà một trong các nội dung quan trọng của tái cơ cấu DNNN là nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiện từng bước việc nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN. Cùng với việc đẩy mạnh việc CPH DNNN và thoái vốn nhà nước để thực hiện cơ cấu lại quy mô, phạm vi, lĩnh vực và ngành nghề hoạt động của các DNNN, cần thiết kêu gọi và thu hút sự tham gia đầu tư góp vốn của các nhà đầu tư lớn có tiềm lực về tài chính, có năng lực quản trị điều hành hoạt động của các công ty cổ phần. Đây là cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN sau CPH. 

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các mô hình quản lý, giám sát DNNN và DN có vốn đầu tư của Nhà nước, cùng với việc xử lý dứt điểm các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước, các công trình nhà nước đầu tư kém hiệu quả; phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN; nâng cao một bước hiệu quả sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh của DNNN. Như vậy, tái cơ cấu DNNN sẽ đạt mục tiêu chuyển kinh tế từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, khẳng định được vai trò then chốt của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Đức Việt