Giải mã “ma trận” hệ sinh thái doanh nghiệp FLC

00:00 12/10/2020

Muốn phân tích hoạt động của Công ty Cổ phần Xây dựng Faros (HSX: ROS) sẽ là không đầy đủ nếu không đặt nó vào tổng thể mô hình cả Tập đoàn FLC, cũng như các doanh nghiệp có liên quan. Những xôn xao về ROS, thoạt có vẻ lạ kỳ. Nhưng nếu xem xét thấu đáo lại thấy đầy nét đặc trưng và tính kế thừa từ truyền thống quản trị của hệ sinh thái doanh nghiệp này…
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Đã một tuần kể từ ngày Công ty Cổ phần Xây dựng Faros chính thức đưa 430 triệu cổ phiếu của mình (mã ROS) lên niêm yết tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (01/09/2016), nhưng câu chuyện về ROS vẫn chưa hết xôn xao. Đáng tiếc là sự xôn xao ấy lại mang nhiều những thông điệp tiêu cực hơn là tích cực. Đã có nhiều phân tích về nguyên căn của sự xôn xao vừa kể. Tựu trung lại, có hai điểm. Thứ nhất là tốc độ tăng vốn phi thường của ROS, tức mức 1,5 tỷ đồng tính đến trước ngày 24/04/2014 lên thành 4.300 tỷ đồng vào ngày 21/03/2016, tức là tăng đến 2.867 lần sau chưa đầy 2 năm – một kỷ lục có lẽ là không chỉ dừng ở phạm vi Việt Nam. Còn điểm đáng chú ý thứ hai, điểm này có liên quan đến điểm thứ nhất, đó là sự kỳ cục trong hoạt động sử dụng vốn góp ở ROS. Biên bản kiểm toán của ASC, đơn vị soát xét báo cáo tài chính đề cập khá rõ điều này trong mục  Vấn đề cần nhấn mạnh với hai ý: (1) Tính đến ngày 30.6, tổng số tiền Faros uỷ thác đầu tư cho các cá nhân là 1.417 tỷ đồng, uỷ thác đầu tư cho các tổ chức là 2.149 tỷ đồng (chi tiết tại thuyết minh số V.2). Trong kỳ, tổng số tiền lãi phải thu từ các hợp đồng uỷ thác này được hạch toán trên tài khoản Doanh thu tài chính với số tiền là 92,9 tỷ đồng. Số tiền lãi theo điều khoản hợp đồng uỷ thác đầu tư sẽ được thanh toán khi tất toán hợp đồng. (2) Như đã nêu tại thuyết minh số V.17.c, đợt tăng vốn điều lệ trong quý I.2016 do 3 cổ đông góp vốn với số tiền 462,5 tỷ đồng, tương ứng với mỗi lệnh chuyển tiền đến có một lệnh chuyển tiền đi liên tục 18 lần, các lệnh chuyển tiền đến và đi cho các bên nhận uỷ thác được thực hiện trong cùng ngày 8.1.2016.
Với hai điểm vừa nêu, có thể thấy việc nhiều nhà đầu tư nghi ngờ, rằng Faros thực hiện tăng vốn “ảo”,  không phải là không có cơ sở.
Về mặt lý thuyết, chuyện tăng vốn “ảo”, nếu có ở bất kỳ doanh nghiệp nào, đều dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực. Trước tiên là làm sai lệch giá trị doanh nghiệp, xa hơn là làm méo mó thị trường, thậm chí là lệch lạc cả một nền kinh tế. Theo các quy định hiện hành, vốn điều lệ của công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau được gọi là cổ phần, mệnh giá mỗi cổ phần hiện được ấn định là 10 nghìn đồng. Như vậy, nếu hoạt động tăng vốn là “ảo” hoàn toàn, khối lượng vốn tăng thêm tương ứng với khối lượng cổ phần phát hành thêm, trong khi chi phí tăng vốn gần như không phát sinh. Dẫn đến việc, một DN lên sàn niêm yết một số lượng cổ phiếu khủng (cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của công ty đó) song thực chất phần vốn mà những người chủ DN bỏ ra gần như không đáng kể. Cổ phiếu đó được giao dịch, thậm chí thị giá chỉ 2.000 – 3.000 đồng/cổ phiếu, thì người cầm cái vẫn thắng lớn. Trở lại với Faros, những băn khoăn về việc tăng vốn và lên sàn của doanh nghiệp này vẫn chỉ dừng lại ở mức nghi ngờ. Việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM chấp nhận hoạt động niêm yết của ROS chứng tỏ các cơ quan quản lý đã xác nhận và chứng thực quá trình tăng vốn của DN này là xác đáng – chí ít là trên quan điểm của họ. Tuy vậy, để hiểu về quá trình tăng vốn và hoạt động sử dụng vốn của ROS, trước tiên cần phải hiểu về các đối tượng đã nhận ủy thác tới 83% giá trị vốn cổ phần ở doanh nghiệp này.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sở hữu 42% cổ phần ROS.
Chuyện về những cái tên Cáo bạch niêm yết của Faros cho thấy, đã có tổng cộng 7 cá nhân và 7 tổ chức được doanh nghiệp này lựa chọn để tiến hành các hợp đồng ủy thác đầu tư. 7 cá nhân bao gồm các ông/bà: Nguyễn Thị Hồng Dung, Lê Thị Thơm, Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Minh Điểm, Nguyễn Quang Trung, Trần Văn Toản, Hồ Thị Hiền Còn 7 tổ chức là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và XNK DAMEXCO; CTCP Đầu tư FUJIKAEN Việt Nam; Công ty TNHH Sản xuất và XNK Huy Hoàng; Công ty TNHH NewLand Holdings Việt Nam, CTCP FLC TRAVEL, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và XNK Vietexco. Trong đó, giá trị ủy thác kết lập với mỗi cá nhân hay tổ chức vừa nêu dao động từ 48 – 400 tỷ đồng, với tổng giá trị ủy thác  là hơn 3.332 tỷ đồng. Cập nhật đến ngày 30/06/2016, tổng số tiền mà ROS ủy thác đầu từ cho các cá nhân là 1.417,2 tỷ đồng, ủy thác đầu tư cho các tổ chức là 2.149,2 tỷ đồng. Đáng lưu ý là theo các điều khoản của hợp đồng ủy thác, số tiền lãi theo điều khoản hợp đồng ủy thác đầu tư sẽ được thanh toán khi tất toán hợp đồng. Vậy những cá nhân và tổ chức đã được ROS ủy thác đầu tư là ai và có quan hệ như thế nào với họ mà lại được ROS tín nhiệm đến như vậy?
Không ngoa khi nói doanh nhân Trịnh Văn Quyết đang một trong những doanh nhân có nhiều doanh nghiệp trên sàn nhất ở Việt Nam hiện nay, dù ngoài FLC ông Quyết gần như không giữ ghế lãnh đạo ở bất kỳ DN nào khác. Với việc ROS chính thức trình sàn kể từ 1/9/2016, thì đang có tổng cộng 4 công ty có liên quan đến vị doanh nhân luật sư Trịnh Văn Quyết đang được giao dịch tập trung trên hai sàn chứng khoán của Việt Nam, bao gồm: CTCP Tập đoàn FLC ( HSX: FLC); Công ty Cổ phần Nông dược H.A.I (HSX: HAI); CTCP Xây dựng Faros (HSX: ROS); Công ty Cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF, (HNX: KLF). Chưa kể đến Công ty Cổ phần Chứng khoán Artex đang giao dịch trên OTC.
Thu thập của VietTimes cho thấy, đó đều là những cái tên quen trong hệ sinh thái các doanh nghiệp có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, mà đứng đầu là CTCP Tập đoàn FLC – nơi ông Quyết đang nắm giữ cương vị Chủ tịch HĐQT (tạm gọi là hệ sinh thái doanh nghiệp FLC), và không loại trừ khả năng có người được nhờ để đứng tên hộ.
Cũng đừng quên rằng ông Trịnh Văn Quyết đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu tới 42% vốn cổ phần Faros.
Có thể kể đến như trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Dung, người được Faros ủy thác đầu tư 360 tỷ đồng theo một hợp đồng ký vào ngày 25/08/2014. Theo tài liệu của VietTimes, Nguyễn Thị Hồng Dung là tên của chị gái (SN 1972) của ông Nguyễn Văn Mạnh (SN 1977), một doanh nhân quê gốc Vĩnh Phúc, có vai trò quan trọng trong việc hình thành và vận hành hệ sinh thái doanh nghiệp FLC, không chỉ riêng tại FLC hay KLF – hai công ty niêm yết mà ông từng là cổ đông lớn. Lịch sử tăng vốn thần kỳ của chính Faros cũng không thể thiếu được cái tên Nguyễn Văn Mạnh. Cụ thể, trong lần tăng vốn đầu tiên vào giữa năm 2014, khi Faros nâng VĐL từ mức 1,5 lên 225 tỷ đồng, ông Mạnh chính là người đóng góp nhiều nhất với 104,3 tỷ đồng – chiếm 46,36% cổ phần. Đến cuối năm 2015, khi VĐL của Faros đã được tăng lên mức 3.037,5 tỷ đồng, ông Mạnh vẫn là 1 trong 3 cổ đông lớn nhất với 380 tỷ đồng (không chênh lệnh mấy so với số bà Dung được ủy thác là 360 tỷ đồng), chiếm 12,5% cổ phần. Tuy nhiên, ngày Faros trình sàn – chỉ ít tháng sau, cái tên Nguyễn Văn Mạnh đã hoàn toàn biến mất trong danh sách các cổ đông lớn. Tương tự đó là sự biến mất của các cái tên như Trịnh Văn Đại, Hoàng Thị Thu Hà, Đặng Thị Hồng…,  những người mà trước đó luôn cùng với ông Nguyễn Văn Mạnh là các cổ đông lớn nhất của Faros. Thay vào đó, chốt tại ngày 6/7/2016, danh sách cổ đông lớn của Faros xuất hiện hai cái tên mới toanh: Trịnh Văn Quyết (179,7 triệu cổ phần, chiếm 41,79%) - một đồng hương gốc Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc với ông Trịnh Văn Đại (SN 1966); và Công ty TNHH MTV FLC Land (22,5 triệu cổ phần, chiếm 5,23%). Có một chi tiết trùng hợp khá thú vị là phu quân của đương kim CEO Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung cũng mang tên Nguyễn Văn Mạnh. Song ông Mạnh chồng bà Dung có phải là nhà đầu tư “thoắt ẩn” Nguyễn Văn Mạnh của Faros hay không thì cần phải xem xét thêm. Bởi theo thông tin trong các Báo cáo tình hình quản trị của FLC, thì ông Mạnh chồng bà Dung lại không sở hữu cổ phiếu nào của tập đoàn này. Thông tin cụ thể hơn về ông Nguyễn Văn Mạnh và các nhà đầu tư mai danh như Trịnh Văn Đại, Hoàng Thị Thu Hà, Đặng Thị Hồng,… sẽ được VietTimes tuần tự đề cập.
Theo sách Sinh học lớp 10, nguyên phân là cơ chế sinh sản của sinh vật nhân thực đơn bào. Từ một tế bào mẹ nguyên phân tạo ra hai tế bào con giống hệt nhau…
Đồng vốn “nguyên phân” Ngày 22/4/2016, UBCK đã có công văn số 15/GNC-UBCK chấp thuận việc thực hiện đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng cho CTCP Tập đoàn FLC. FLC sẽ được chào bán 1.796,174 tỷ đồng ra công chúng để tăng vốn điều lệ từ mức 5.298,716 tỷ đồng lên trên 7.000 tỷ đồng thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 59:20 (01 cổ phiếu được hưởng 01 quyền, 59 quyền được mua 20 cổ phiếu mới). Với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá giao dịch của cổ phiếu FLC trên thị trường chỉ chưa đến 6.000 đồng/cổ phiếu, không khó hiểu khi đã có tới 156/169 triệu cổ phiếu đem ra chào bán tăng vốn của tập đoàn này đã “ế”. Tuy nhiên, theo thông tin tin trong Nghị quyết số 49/NQ-HĐQT-FLC mới được Hội đồng quản trị FLC công bố thì ngày 18/08 vừa rồi thì đã có 8 nhà đầu tư đã sẵn sàng mua lại trọn bộ 156 triệu cổ phiếu “ế” nêu trên với giá phân phối 10.000 đồng/cổ phần. Hẳn 8 nhà đầu tư này phải rất tin tưởng vào viễn cảnh xán lạn của FLC mới sẵn sàng ôm cổ phiếu FLC với giá phân phối gần gấp đôi thị giá đến vậy (!). Chưa hết, căn cứ vào tiêu chí xác định đối tượng chào bán được FLC nêu rõ trong Nghị quyết 49 thì 8 nhà đầu tư vừa nói không chỉ có viễn kiến mà còn là những nhà đầu tư rất “tầm”, khi đáp ứng đủ cả 3 tiêu chí: (1) Là những cá nhân, tổ chức có uy tín; (2) Là những tổ chức tài chính hoặc cá nhân có kinh nghiệm và năng lực trong lĩnh vực tài chính, có khả năng về vốn và góp vốn nhanh khi đăng ký mua cổ phần; (3) Có năng lực mà HĐQT Cty nhận thấy có thể đóng góp vào hoạt động kinh doanh của công ty để mang lại lợi ích cho công ty trong tương lai. Và 8 cái tên đó là: Nguyễn Thùy Trang, Hồ Thị Hiền, Trần Văn Toản, Nguyễn Thị Hiên, Nguyễn Thị Phú, Trần Thị Mai Anh, Đàm Quang Cường, Nguyễn Quang Trung. Nhưng trong số 8 cái tên đã bỏ 1.560 tỷ đồng để mua cổ phiếu “ế” của FLC thì lại có 4 cái tên đã nhận 1.135 tỷ đồng vốn uỷ thác từ Faros trước đó. Cụ thể là các ông/bà: Trần Văn Toản (400 tỷ đồng), Hồ Thị Hiền (370 tỷ đồng), Nguyễn Thị Hiên (140 tỷ đồng), Nguyễn Quang Trung (225 tỷ đồng). Họ là ai? Không lạ khi các cái tên đều mang duyên nợ với hệ sinh thái doanh nghiệp FLC. Có thể kể đến như, Trần Văn Toản chính tên của phu quân bà Trịnh Thị Thanh Huyền (SN 1977), một cán bộ có thâm niên công tác tại Tập đoàn FLC. Năm 2011, bà Huyền thậm chí còn là một trong những cổ đông cá nhân lớn nhất, sở hữu đến 9% cổ phần FLC. Hay như Hồ Thị Hiền - cái tên của cổ đông cá nhân sở hữu 24 triệu cổ phiếu FLC (tương ứng với 3,78% VĐL, cập nhật tại ngày 16/06/2016); Hay Nguyễn Thị Phú – cái tên có nhiều vai trò trong tiến trình tăng vốn quá khứ của KLF,… Không loại trừ khả năng một số cái tên là đồng hương đã được sử dụng để đứng tên hộ người chủ thực sự. Không chỉ là việc dùng một nguồn tiền gốc, tiến hành tăng vốn cho nhiều doanh nghiệp, hãy thử hình dung kịch bản, rằng các cá nhân được ROS ủy thác đầu tư, dùng chính nguồn tiền này để “quay” và đẩy giá cổ phiếu ROS hay các cổ phiếu thân hữu như FLC, KLF, HAI… Hãy thử hình dung việc phần vốn FLC được tăng bằng dòng vốn ủy thác từ ROS sẽ lại được chủ sở hữu chúng đem vào margin, repo rồi “nụ hôn kiểu Pháp”… Hãy thử hình dung, dòng vốn ủy thác sẽ lại được dùng để cơ cấu một doanh nghiệp khác nữa, chờ thời cơ đưa nó lên sàn… Liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM, các cơ quan quản lý, thanh tra giám sát có biết và có hình dung đến các kịch bản này?     Không chỉ là các cá nhân, theo tài liệu của VietTimes, 7 pháp nhân nhận ủy thác đầu tư từ ROS cũng đều là những mắt xích quan trọng của hệ sinh thái doanh nghiệp FLC. Trong số này, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Vietexco (nhận ủy thác 335,1 tỷ đồng)  và CTCP Đầu tư Fujikaen Việt Nam (nhận ủy thác 162 tỷ đồng) đóng vai trò là những cổ đông tổ chức, nắm giữ khối lượng đáng kể cổ phiếu FLC. Cập nhật tại ngày 16/06/2016, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Vietexco sở hữu 47 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 7,35%; CTCP Đầu tư Fujikaen Việt Nam sở hữu 21,6 triệu cổ phiếu FLC, tương ứng tỷ lệ 3,38%. Ngoài FLC, CTCP Đầu tư Fujikaen Việt Nam (Tên cũ: CTCP Đầu tư R.O.R Việt Nam) còn nắm giữ 4,52% (cập nhật tại 23/4/2015) cổ phần CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF) – một "mũi nhọn" niêm yết khác trong hệ sinh thái FLC. Quá trình tìm hiểu 7 pháp nhân nhận ủy thác đầu tư 2.149 tỷ đồng từ Faros đã dẫn chúng tôi đến hàng chục pháp nhân kín tiếng khác – cũng được tăng vốn chóng mặt - trong hệ sinh thái doanh nghiệp FLC. Nó cũng giúp phát lộ các đại tỷ phú “vô danh”, và đặc biệt là mô hình tương hỗ đặc sắc giữa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái. Một trong số đó là kỹ nghệ “tắc kè hoa”: liên tục thay tên đổi họ cho các doanh nghiệp thành viên.
(theo viettimes.vn)