Gạo ST25 làm ra không đủ bán

18:40 08/07/2022

Không chỉ tăng về khối lượng, giá xuất khẩu gạo ST25 cũng đang ở mức rất cao.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Dù mới được đưa vào xuất khẩu trong vài năm trở lại đây nhưng gạo ST25 của Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật Bản, Australia, Canada...

Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 3.370 tấn trong 5 tháng, tăng 36,1% so với cùng kỳ và chiếm hơn 70% tỷ trọng. Những năm gần đây nhu cầu đối với gạo đặc sản tại Mỹ ở mức cao do dân số người Mỹ gốc châu Á đang tăng nhanh.

Đáng chú ý, xuất khẩu gạo ST25 sang Đức tăng tới 45 lần so với cùng kỳ, đạt 875 tấn. Qua đó đưa thị trường này lên vị trí thứ hai về tiêu thụ gạo ST25 của Việt Nam với tỷ trọng chiếm 19%.

Tương tự, xuất khẩu gạo ST25 tới Australia tăng 10 lần, đạt 187 tấn; sang Canada tăng gấp 3 lần, lên mức 64 tấn… Bên cạnh đó, một số thị trường mới mà gạo ST25 đã đặt chân đến như: Nhật Bản (100 tấn), Singapore (28 tấn)…

Với thị trường Nhật Bản, ngày 30/6, tại thủ đô Tokyo, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã phối hợp với Ngân hàng Kiraboshi tổ chức lễ ra mắt sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An mà công ty đã đưa thành công vào thị trường Nhật Bản, theo TTXVN.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo ST25 của Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng đột phá với khối lượng lên đến gần 4.700 tấn, giá trị thu về 5 triệu USD, tăng mạnh 82,8% về lượng và tăng gấp đôi về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, chỉ sau 5 tháng đầu năm xuất khẩu gạo ST25 đã gần bằng cả năm ngoái.

Bình quân 5 tháng đầu năm nay đạt 1.064 USD/tấn, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi so với giá xuất khẩu gạo trắng thông thường.

Đặc biệt, gạo ST25 của Việt Nam hiện lọt Top đầu về giá bán của thế giới, cao hơn mức giá xuất khẩu trung bình 983 USD/tấn của gạo Basmati của Ấn Độ và chỉ thấp hơn mức giá 1.082 USD/tấn của gạo Thái Hom Mali.

Lâm Nghi