Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về việc hoàn thuế và xuất xứ hàng hoá theo EVFTA

00:00 12/10/2020

Hai vấn đề mà các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM băn khoăn nhiều nhất sau khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực là cách hoàn thuế và tờ khai xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.

Hai vấn đề mà các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM băn khoăn nhiều nhất sau khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực là cách hoàn thuế và tờ khai xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi.

"Hai vấn đề chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi nhất từ doanh nghiệp trong hai tháng qua là tờ khai xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi và cách thức hoàn thuế", ông Đinh Ngọc Thắng - cục trưởng cục Hải quan TP.HCM cho biết tại buổi đối thoại giữa cục Hải quan TP.HCM với cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam sáng 6.10 tại TP.HCM

Đại diện Decathlon Việt Nam cho rằng cơ chế áp dụng thuế quan ưu đãi hiện vẫn tồn tại song song hai loại là thuế quan dành cho các quốc gia đang phát triển (GSP) và thuế quan theo EVFTA. 

Doanh nghiệp vẫn băn khoăn về việc hoàn thuế và xuất xứ hàng hoá theo EVFTA - ảnh 1

Đại diện Decathlon Việt Nam đặt câu hỏi tại buổi đối thoại.  

 

Đại diện ngành hải quan cho biết cả hai hệ thống ưu đãi thuế quan này sẽ tiếp tục được áp dụng song song khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu. Theo đó doanh nghiệp có thể tự chọn loại thuế quan ưu đãi nào có lợi hơn để khai trong tờ khai hải quan.

Tuy nhiên, vị này khuyến cáo sau hai năm nữa, thuế quan GSP vẫn còn tồn tại nhưng cơ chế áp dụng ưu đãi sẽ thay đổi vì các nước châu Âu cũng đang chuyển dần sang việc áp dụng biểu thuế được quy định trong EVFTA - vì thế các doanh nghiệp Việt nên chuẩn bị dần để thích nghi và không bị ảnh hưởng khi cơ chế áp thuế GSP không còn.

Ông Oliver Regner - giám đốc điều hành EuroCham lưu ý các doanh nghiệp về thuế quan ưu đãi được quy định theo EVFTA chỉ áp dụng cho những mặt hàng có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đáp ứng đúng quy định: Hàng hoá sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa có sử dụng nguyên liệu từ quốc gia khác có FTA với EU (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore).

Theo đó EVFTA không chỉ là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thương mại với EU mà còn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các quốc gia khác phát triển trong khu vực như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Để tiếp cận được những ưu đãi về thuế quan và thị trường tiềm năng nửa tỉ dân của khối EU, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hoá và chất lượng. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - chủ tịch tập đoàn IPP cho rằng các doanh nghiệp Việt cần phải hiểu rất rõ "khẩu vị" thị trường, cụ thể là yêu cầu cao đối với chất lượng sản phẩm và sự ổn định về giá cả.

"Doanh nghiệp không nên nhìn thấy thị trường đang thiếu thì tranh thủ cơ hội tăng giá, đó chỉ là lợi ích ngắn hạn. Thị trường châu Âu là một thị trường ổn định và tìm kiếm mối quan hệ hợp tác lâu dài," ông Johnathan khuyến cáo. 

Tiến độ thông quan hàng hóa khi lưu lượng xuất nhập khẩu tăng lên cũng là vấn đề lo ngại của các doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu. Hiện nay lượng hàng hóa thông quan tại TP.HCM chiếm gần 40% tổng kim ngạch thương mại với châu Âu. Cơ quan hải quan dự báo lượng hàng hoá thông quan tại cục hải quan TP.HCM mỗi năm sẽ tăng khoảng 20-40% đối với hàng xuất khẩu và từ 16-37% đối với hàng nhập khẩu.

Ông Nicolas Audier - chủ tịch Eurocham cũng cho rằng khoảng 40% hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu sang Việt Nam thông quan tại TP.HCM. "Chúng tôi mong muốn các cảng thuộc TP.HCM có thể cải thiện về các khâu xử lý, xếp dỡ hàng hóa và thông quan nhanh chóng."

Hiện tại, EU có hơn 900 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn khoảng 3,17 tỉ USD trên địa bàn TP.HCM. Kim ngạch song phương giữa TPHCM và EU đạt 15,44 tỉ USD năm 2019, chiếm khoảng 37% tổng thương mại giữa Việt Nam - EU năm 2019.

 Linh Chi