Doanh nghiệp làm tốt công tác bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững

15:47 04/12/2023

Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường (BVMT) không chỉ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp then chốt giúp bản thân doanh nghiệp tự nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế.

Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác BVMT cũng chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Năm 2022, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác BVMT còn đảm bảo cho doanh nghiệp không gặp những vấn đề về mặt pháp lý và duy trì liên tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của người mua về vấn đề môi trường, tạo ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp.  

Tại một diễn đàn về Doanh nghiệp Việt Nam với BVMT và phát triển bền vững trước bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong công tác bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực môi trường, đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất và kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp đã đầu đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được vấn đề BVMT, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư cho BVMT, hoạt động BVMT chưa được tiến hành thường xuyên, chưa trở thành nhận thức hành động của các doanh nghiệp, còn mang nặng tính đối phó, thời vụ. Nghiên cứu các trường hợp vi phạm pháp luật môi trường ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, việc đầu tư cho công tác BVMT ở một số doanh nghiệp không được quan tâm đúng mức, thậm chí có doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý rác và nước thải hiện đại nhưng hầu như không hoạt động mà tất cả rác, nước thải được xả thẳng ra môi trường.

Trước thực trạng các vấn đề về môi trường đang ngày càng gia tăng, việc tăng cường công tác BVMT được chú trọng hơn, các yêu cầu ngày càng chặt chẽ về các tiêu chuẩn môi trường trong xuất, nhập khẩu hàng hóa và nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng cao đã làm cho nhận thức của doanh nghiệp đối với hoạt động BVMT không ngừng được nâng cao. Đã đến lúc doanh nghiệp nhận thức việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT không chỉ còn là nghĩa vụ “phải làm” đối với các doanh nghiệp mà từng bước đã trở thành “động lực tìm kiếm lợi nhuận bền vững” cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cần phải có cách nhìn nhận và đánh giá phù hợp nhằm đưa ra các giải pháp phát huy vai trò của doanh nghiệp bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường: Việc thực hiện đầu tư cho BVMT không chỉ giúp các doanh nghiệp có môi trường làm việc an toàn, bảo đảm năng suất lao động. Việc tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật môi trường cũng sẽ giúp doanh nghiệp không gặp rủi ro về pháp lý. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đầu tư bài bản, có hệ thống vào công tác BVMT sẽ gúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh do giảm thiểu chi phí sử dụng các dạng tài nguyên thiên nhiên (ví dụ giảm thiểu chi phí sử dụng nước, tái sử dụng các chất thải bỏ, xử lý biogas giúp giảm chi phí về nhiên liệu…), điều này sẽ góp phần làm tăng "lợi nhuận- động lực chính của doanh nghiệp” trong nền kinh tế thị trường.

Đối với cộng đồng và đất nước, mỗi một doanh nghiệp có thể được xem như một “tế bào” của nền kinh tế của mỗi quốc gia. Kết quả hoạt động của mỗi doanh nghiệp có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân hoặc địa phương - nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động và xa hơn nữa là đến cả đất nước. Do đó, khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho công tác BVMT, tăng trưởng xanh sẽ đóng góp vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của mỗi địa phương, mỗi quốc gia.

Trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng, thông qua các hành vi kiểm soát ô nhiễm và xử lý, tái chế chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp tuân thủ pháp luật môi trường, sẽ đạt được nhiều lợi ích thiết thực. Nhiệm vụ này đang được xem như là một trong những chiến lược kinh doanh hàng đầu của doanh nghiệp hơn là những quy định hay từ thiện bắt buộc. Triển khai tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không những sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội. Đồng thời, khi doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào hoạt động BVMT và tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích hết sức tích cực cho chính doanh nghiệp và cộng đồng, quốc gia.

Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp phải có trách nhiệm với các tác động tới môi trường và cuộc sống cộng đồng (Ảnh minh họa).

Thời gian vừa qua, một số sự cố về môi trường của các doanh ngiệp không những gây ra hệ lụy về môi trường, mà còn gây thiệt hại không nhỏ đối với doanh nghiệp, điển hình tại Thanh Hóa, Công ty Cổ phần Cromit Nam Việt, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa bị xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 3 tỉ đồng, vì vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường. Các hành vi vi phạm của công ty bao gồm: thải bụi, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 1,1 lần đến dưới 1,5 lần. Qua đó, Công ty này bị phạt số tiền là 850 triệu đồng, đồng thời bị đình chỉ hoạt động của nguồn phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường của cơ sở này đến cuối tháng 01/2024. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Cromit Nam Việt còn xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống, các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường. Với vi phạm này, công ty bị phạt 900 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép xả nước thải vào nguồn đến cuối tháng 01/2024.

Trong xu hướng thị trường các-bon và mục tiêu hướng tới tới net zero của VIệt Nam vào năm 2050, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt. Về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường các-bon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ loài người trước tác động của biến đổi khí hậu.

Về những mặt lợi trực tiếp mà doanh nghiệp có được: Tham gia thị trường các-bon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ vì chúng ta không ai cứ sống với cái cũ mãi, phải luôn làm mới mình để tồn tại và phát triển. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự thay đổi về hành vi và nhận thức của người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung đã tạo ra cả áp lực và động lực mới cho doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong công tác BVMT, đòi hỏi các DN đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực môi trường hoặc đổi mới công nghệ sản xuất, quy trình sản xuất, phương thức quản lý để đáp ứng các yêu cầu về BVMT trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt giúp bản thân doanh nghiệp tự nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ngọc Lâm