Vai trò của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường

11:25 18/07/2023

Trong xu thế hội nhập, cùng với việc phát triển công nghiệp cũng phát sinh không ít hệ lụy về môi trường do hoạt động xả thải. Việc bảo vệ môi trường trước các tác hại của rác thải từ hoạt động sản xuất là trách nhiệm không chỉ của mỗi doanh nghiệp.

Thực trạng chung.
Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống nhà máy, xí nhiệp, công xưởng, trang trại trên đà phát triển, có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng là một thách thức, một phép thử đối với công tác bảo vệ môi trường. Trên thực tế, vẫn còn các doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường; các hoạt động bảo vệ môi trường còn mang tính đối phó, hình thức; nhiều doanh nghiệp vẫn còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên quá mức, sử dụng ngày càng nhiều năng lượng…

Theo đề án “Kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao”, hiện nay có 16 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bao gồm: Khai thác và làm giàu quặng kim loại; luyện kim; sản xuất giấy, bột giấy, ván sợi (MDF, HDF); sản xuất hóa chất, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; nhuộm (vải, sợi), giặt mài; thuộc da; lọc hóa dầu; nhiệt điện than, sản xuất cốc, khí hóa than, điện hạt nhân; xử lý tái chế chất thải; xi mạ, làm sạch bề mặt kim loại bằng hóa chất; sản xuất pin, ắc quy; sản xuất clinker; chế biến mủ cao su; chế biến tinh bột sắn; chế biến mía đường; chế biến thủy sản

Riêng ngành nhiệt điện, hiện nay Việt Nam có 29 nhà máy điện than đang hoạt động, mỗi năm thải ra hàng triệu tấn tro xỉ. các nhà máy sản xuất phân bón, hóa chất đang thải ra môi trường khoảng 1,3 triệu tấn thạch cao PG. Bên cạnh đó, lượng bã Phosphogypsum độc hại (GYPS) thải ra tại các nhà máy nhiệt điện than trên cả nước gần như chưa tiêu thụ được, phải lưu trữ tại các nhà máy, có khối lượng lên tới gần 13 triệu tấn.

Ảnh minh họa
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 29 nhà máy nhệt điện đang hoạt động, mỗi năm thải ra hàng triệu tấn tro xỉ (Ảnh minh họa).

Mặc dù đây không phải là ngành công nghiệp trọng yếu nắm giữ những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nhưng trên thực tế, ngành công nghiệp sản xuất giấy cũng đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, phụ trợ cho nhiều ngành nghề sản xuất khác phát triển.
Hiện nay, Việt Nam có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất giấy: bao gồm khoảng 20 doanh nghiệp quy mô sản xuất lớn, từ 100 nghìn tấn/năm, còn lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động (khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm). Đây cũng là một trong những ngành công nghiệp thể gây tác hại lớn đến môi trường sống nên các nhà máy đang có xu hướng chú trọng đầu tư vào hệ thống sản xuất, xử lý chất thải, khí thải …

Thời gian gần đây, các vấn đề bức xúc, nổi cộm về ô nhiễm môi từ sản xuất giấy cũng thường xuyên xảy ra dưới nhiều hình thức, quy mô và mức độ khác nhau, nhiều vụ việc vi phạm kéo dài, gây hiệu quả nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân, chất lượng môi trường tiếp tục bị xuống cấp ở nhiều nơi, nhiều điểm nóng về môi trường đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến các khu vực dân cư.

Hoạt động xả thải trong sản xuất bột giấy gây ảnh  ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Hoạt động xả thải trong sản xuất bột giấy gây ảnh ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (Ảnh minh họa).

Thực tế cũng cho thấy, công tác bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế. không khó để tìm kiếm các doanh nghiệp bị xử phạt hành chính với sô tiền hàng trăm triệu đồng do vi phạm về công tác bảo vệ môi trường.

Năm 2022, Công ty Cổ phần Hải Hà, địa chỉ tại Cum Công nghiệp Nam Quang, huyện Bắc Quang bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 459 triệu đồng vì hành vi xả thải ra môi trường.
Liên quan đến hoạt động sản xuất bột giấy, Công ty TNHH Miza Nghi Sơn bị cũng Tổng Cục Môi trường xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 557.777.000 đồng đối với vì vi phạm Luật Bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó các ngành công nghiệp khác như chăn nuôi công nghệ, sản xuất chế biến thực phẩm… cũng gây không ít hệ lụy và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng môi trường.

Trước thực trạng đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bắt đầu được thực thi với nhiều điểm mới mang tính đột phá, đề cao vai trò người dân, doanh nghiệp là vị trí trung tâm đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường quốc tế và đảm bảo phát triển bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.

Hành động từ địa phương

Thanh Hóa với mục tiêu trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Thanh Hóa xác định có 6 trụ cột ngành nghề, lĩnh vực chính sẽ tập trung phát triển, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hóa dầu, hóa chất và chế biến sản phẩm từ hóa dầu; công nghiệp sản xuất, cung ứng điện; công nghiệp cơ khí, điện tử và sản xuất kim loại; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; và công nghiệp dệt may, giầy da, đồng nghĩa với việc công tác bảo vệ môi trường ở Thanh Hóa càn được siết chặt hơn.

Với quan điểm “kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, lãnh đạo tỉnh THanh Hóa yêu cầu các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương cần chú trọng đến các yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường trong quá trình thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản nói riêng và các ngành, nghề khác nói chung", đồng thời xác định rõ, hoạt động khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên phải hợp lý, hiệu quả... gắn với bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách hiện nay. 

Kiểm tra tực tế tại Thanh Hóa, còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở chưa đầu tư công trình xử lý chất thải phát sinh theo như cam kết trong hồ sơ về môi trường đã được phê duyệt hoặc có những nơi đã được đầu tư lại chưa hoàn thiện hay không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để mà còn thải trực tiếp ra môi trường.

Năm 2022, các cấp ngành chức năng tại Thanh Hóa cũng đã tổ chức 126 lượt thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh, tố cáo. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác minh, xử phạt vi phạm hành chính về môi trường đối với 19 doanh nghiệp và 1 cá nhân, tổng số tiền xử phạt là 825,73 triệu đồng; đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các đơn vị vi phạm, trong đó có các biện pháp có tính răn đe cao như đình chỉ hoạt động có thời hạn, hoặc dừng các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

Nước xả thải từ các doanh nghiệp chế biến đá đặc quánh mương nước
Nước xả thải từ các doanh nghiệp chế biến đá đặc quánh mương nước.

Cùng với sự nỗ lực của các ban ngành trong tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa cũng xác định trách nhiệm và vai trò của các thành viên, tích cực phối hợp tổ chương trình “Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa chung tay bảo vệ môi trường” với mục đích nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa và nhân dân về bảo vệ môi trường. Lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường thông qua những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực. Cùng với đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Thanh Hóa cũng khuyến khích các doanh nghiệp hội viên sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao nguyên liệu, năng lượng, hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có phát sinh chất thải, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, xử lý chất thải, vận chuyển và phân phối hàng hóa...
Theo lãnh đạo Sở TN&MT, thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện để kịp thời xử lý vấn đề ô nhiễm. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, huy động đa dạng nguồn vốn để đầu tư các công trình xử lý chất thải, nước thải, xây dựng kế hoạch tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, dọc lưu vực các sông lớn vào các KCN, CCN, LN; di dời các trang trại chăn nuôi trong khu dân cư đến vị trí phù hợp, bảo đảm không ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Thường xuyên giám sát các số liệu quan trắc môi trường, thực hiện quản lý vận hành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh. Nhằm cung cấp thông tin phục vụ đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, đánh giá chất lượng nước thải, khí thải tại các doanh nghiệp trước khi thải ra môi trường.
Ngọc Lâm