Doanh nghiệp là một thiết chế đặc thù thúc đẩy kinh tế phát triển

00:00 12/10/2020

Doanh nghiệp sẽ không còn kêu ca, phàn nàn về những vướng mắc, khó khăn,thay vào đó, đại diện nhiều doanh nghiệp chuyển sang đóng góp ý kiến hiến kế, kiến nghị giải pháp để cùng song hành với Chính phủ xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế Việt Nam, thông qua Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế của Ban Kinh tế Trung ương. Để có góc nhìn rõ nét về cuộc vận động này, Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế là lần đầu tiên Đảng và Nhà nước tổ chức ở quy mô rộng khắp để lắng nghe ý kiến từ mọi khu vực doanh nghiệp. Ông đánh giá gì về vai trò “hiến kế” của các doanh nghiệp, doanh nhân?

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Đa số các doanh nghiệp cho rằng, họ không mong Nhà nước hỗ trợ điều gì lớn lao mà mong những kiến nghị của họ được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi trong thực tế để được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư gỡ khó cho nền kinh tế… Về doanh nghiệp góp ý thì trước hết phải hiểu được khung khái niệm Nhà nước. Nhà nước khi tồn tại có rất nhiều thiết chế hình thành để vận hành xã hội. Ví dụ như Đảng phải vận hành để thúc đẩy chính trị, Nhà nước vận hành để áp đặt việc tuân thủ pháp luật, hoạch địch chính sách pháp luật. Và có một thiết chế rất đặc biệt để thúc đẩy kinh tế phát triển đó là doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là những thiết chế hình thành lên để làm kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tại sao thiếu các doanh nghiệp, kinh tế rất khó phát triển vì các thiết chế khác làm kinh tế không làm được. Tại sao nói Nhà nước làm kinh tế không làm được vì Nhà nước không phải một thiết chế sinh ra để làm kinh tế mà chỉ có các doanh nghiệp sinh ra để kinh doanh. Các hộ gia đình khi làm kinh tế thì nó vận hành như một doanh nghiệp thì nó vẫn là thiết chế. Từ đó ta có thể thấy để thúc đẩy kinh doanh, làm kinh tế thì chỉ có doanh nghiệp. Doanh nghiệp là một thiết chế đặc thù sinh ra để làm kinh tế. Nhà nước có thể tạo một khuôn khổ thể chế để làm kinh tế dễ, chẳng hạn như ổn định kinh tế vĩ mô thì Nhà nước có thể làm cái đó nhưng còn làm kinh doanh cụ thể thì Nhà nước không thể làm được. Như vậy có thể thể thấy vai trò của các doanh nghiệp trong kinh doanh, làm kinh tế phát triển. Cho nên Nhà nước có thể làm chức năng khác đó là bảo đảm sự công bằng xã hội, đó là chức năng doanh nghiệp cơ bản không thể làm tốt được. Nhà nước có thể đánh thuế, dùng thuế để phân bổ lại thu nhập...

Như vậy để nói vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy kinh tế phát triển và cải cách thể chế thế nào, thì phải khẳng định đây là các thiết chế sinh ra để kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển, từ đó đi kèm với hệ lụy là kinh doanh như thế nào là tốt nhất? Chỉ có các doanh nghiệp mới hiểu như thế nào là kinh doanh, chính là nền tảng thực tế và các doanh nghiệp biết được nên làm thế nào để kinh doanh tốt được, từ đó có thể tư vấn cho Nhà nước về chính sách pháp luật, bởi họ là người trong cuộc, người làm cụ thể nên họ biết được tốt nhất.

Điều đó là lý do đối tượng của cuộc vận động góp ý phải là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân chứ không phải là một đối tượng khác, thưa ông?

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Cuộc vận động này nhằm mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả biết rõ nhất cần góp ý những gì nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách. Nếu tư vấn thì doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tư vấn tốt nhất, không phải là các quan chức ngồi bàn giấy tham mưu làm luật như thế nào, cần gì cho kinh doanh tốt nhất, do vậy doanh nghiệp là thiết chế có thể có kiến thức nhiều nhất và tốt nhất. Vậy, doanh nghiệp có thúc đẩy cải cách chính sách, câu trả lời là có. Không có doanh nghiệp nào là không thúc đẩy vì doanh nghiệp làm ăn là vì lợi ích. Đối với các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu thì họ tự thúc đẩy. Họ có 1001 cách để thúc đẩy. Còn doanh nghiệp nhỏ phải có tổ chức Hiệp hội, mà Hiệp hội đó phải thực sự mạnh, thực sự đại diện cho các doanh nghiệp hội viên... Mặt khác, doanh nghệp có thể giúp xây dựng chính sách từ việc tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, kể cả đi nước ngoài nghiên cứu xem các nước trên thế giới như thế nào... Đó là mô thức để thúc đẩy cải cách hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế đất nước. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là người trực tiếp làm hàng ngày sẽ biết cái gì bất cập và kiến nghị cái chính sách rất quan trọng vì một xã hội phát triển thì chính sách thường do xã hội dân sự thức đẩy.

Doanh nghiệp, doanh nhân “hiến kế” là tham gia trực tiếp vào thúc đẩy cải cách cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, liệu có nảy sinh mặt trái, thưa ông?

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Mặc dù doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế có vai trò quan trọng nhưng cũng có nhiều mặt trái và vẫn phái tìm cách xử lý và phải có khuôn khổ pháp lý chung. Điển hình như, các doanh nghiệp lớn có thể thúc đẩy cải cách hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kiểu tạo điều kiện cho họ kinh doanh mà các DNNVV sẽ khó thực hiện. Doanh nghiệp có thể thúc đẩy chính sách nhưng sẽ tạo ra lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, hay nói cách khác sẽ tạo ra môi trường độc quyền có cạnh tranh. Chẳng hạn như quy định phải có nhà xưởng, đất từ 5.000m2, 10.000m2 trở lên thì mới được kinh doanh bán ô tô. Điều kiện như vậy thì “những doanh nghiệp lớn sẽ sống, còn doanh nghiệp nhỏ sẽ chết”... Như vậy, cũng là tạo điều kiện thúc đẩy quy định của pháp luật nhưng cũng có thể tạo những ưu thế cho doanh nghiệp lớn, làm môi trường cạnh tranh không còn và giảm thiểu môi trường cạnh tranh.

Mặt trái thứ hai là doanh nghiệp lớn có thể cấu kết với các quan chức và hình thành nên chủ nghĩa tư bản thân hữu. Tư bản thân hữu là mô hình kinh tế đôi khi còn gọi đơn giản là doanh nghiệp sân sau, là thuật ngữ dùng để miêu tả nền kinh tế dựa trên mối quan hệ khắng khít giữa doanh nghiệp và chính phủ. Sự thành công (hay thất bại) của doanh nghiệp bị lệ thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào ơn huệ, ưu đãi của những người có quyền lực dành cho doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp thân với họ. Do đó, tuy rằng nền kinh tế dù vận hành trên danh nghĩa là kinh tế thị trường nhưng mối quan hệ với những người cầm quyền là tối quan trọng, quyết định đến thành công hay thất bại của doanh nghiệp, chứ không phải là nhờ cạnh tranh trên thương trường và tuân thủ nghiêm luật pháp. Những hình thức ân huệ, ưu đãi, trợ giúp của thành viên chính quyền bao gồm: chính sách thuế ưu đãi, những khoản trợ giúp (đầu tư) từ ngân sách, hoặc những hình thức trợ giúp kín đáo khác được thiết kế riêng dành cho các nhóm thân quen, nhóm lợi ích mà các doanh nghiệp khác bên ngoài không thể tiếp cận được. Ví dụ, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mới lên, những doanh nghiệp có quan hệ với những vị đó sẽ được ưu ái, tạo điều kiện trong các dự án lớn. Hay một gói thầu được cài những quy định mà chỉ có những doanh nghiệp thân hữu mới đủ điều kiện tham gia, đương nhiên doanh nghiệp này sẽ trúng thầu... Những quan chức này dùng cả bộ máy quyền lực công lẫn quyền lực tư để loại các doanh nghiệp khác. Thậm chí, một số nơi, doanh nghiệp nơi khác nhảy vào đấu thầu thì bị dân xã hội đen rằn mặt… Đấy là nhóm thân hữu chiếm lĩnh thị trường mà người khác không thể vào được. Ngoài ra khi doanh nghiệp tự thúc đẩy chính sách sẽ dẫn tới việc không bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp nào cũng cũng muốn người lao động làm thêm nhiều để không phải tuyển thêm người, không phải đóng thêm BHXH, BHYT. Nhưng như vậy thì quyền lợi của người lao động ai bảo vệ? Đây chính là cái mặt trái. Đó là lý do tại sao phải có sự tham gia của Phòng Thương mại công nghiệp và Tổng Liên đoàn lao động, hai cơ quan đại diện cho quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động phải cân đối nhau được. Khi làm chính sách cho doanh nghiệp đòi hỏi phải cân đối được lợi ích…

Theo ông, để cuộc vận động doanh nghiệp, doanh nhân góp ý hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế không phải là hình thức thì cần phải làm gì?

TS. Nguyễn Sỹ Dũng: Nói chung cuộc vận động khởi đầu quan trọng. Nhưng mọi cuộc vận động phải dẫn đến một sự thể chế hóa, kết quả của cuộc vận động phải là sự thể chế hóa thành những quy định, nếu không sau cuộc vận động lại sẽ đâu vào đấy. Vận động không thể là hình thức tham khảo, hết cuộc vận động này lại tổ chức cuộc vận động khác. Cùng đó, phải thể chế hóa những quy định chủ nghĩa thân hữu, chống mua bán chính sách có thể phải đưa vào trong Luật… Doanh nghiệp không thể mua chính sách mà chỉ có thể vận động chính sách để Nhà nước phản ứng. Nội quy, quy định về tham vấn là làm sao cân đối được lợi ích thì phải hỏi doanh nghiệp, phải hỏi được Công đoàn đại diện của người lao động, phải hỏi người lao động nhưng cũng phải hỏi những người quan tâm bảo vệ môi trường cũng như các giá trị văn hóa. Tất cả các đối tượng đó phải được tham gia vào quá trình ban hành chính sách.    Đáp ứng được tất cả các điều trên thì cuộc vận động mới đưa ra được kết quả nếu không thì nó sẽ bị trôi đi.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Trí Kiên - Thu Giang