"Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khi chuyên gia nước ngoài lây COVID-19 ra cộng đồng"

10:04 08/05/2021

Đây là ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc chiều 7/5. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về phòng, chống dịch.

"Doanh nghiệp cũng có trách nhiệm khi chuyên gia nước ngoài lây COVID-19 ra cộng đồng"
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, tại Việt Nam, đây là đợt dịch COVID-19 thứ 4, với 2 điểm phức tạp hơn các đợt dịch trước, với  nguồn lây, có mầm bệnh đã có trong cộng đồng. Virus lần này được xác định là chủng Ấn Độ có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. 

Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, thứ nhất, dù có diễn biến dịch có thay đổi thế nào thì những bước, những nguyên lý là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị là không thay đổi.

Thứ 2 là trong điều kiện bình thường mới, các cá nhân phải tuân thủ khẩu hiệu 5K, đặc biệt là khẩu trang.

Thứ 3 là phương châm tại chỗ, song một số địa phương đã làm chưa tốt. Trong đó, vấn đề xuất nhập cảnh, phải ngăn chặn hiệu quả nhập cảnh trái phép. Ngoài lực lượng biên phòng, công an… quan trọng là cùng nhân dân, cùng cộng đồng phát hiện người nhập cảnh không khai báo. Kêu gọi người dân vận động người thân ở nước ngoài ở tại chỗ, trong trường hợp buộc phải về nước thì nhập cảnh hợp pháp, khai báo y tế đúng quy định. Các trường hợp nhập cảnh trái phép sẽ bị xử lý rất nghiêm, đặc biệt là hành vi tổ chức đưa người về trái phép. 

Ngoài ra, việc quản lý người nhập cảnh hợp pháp cũng rất quan trọng. Với các chuyên gia nước ngoài, phần lớn cách ly tại các khách sạn. Tuy nhiên, theo kiểm tra, rất nhiều khách sạn thực hiện không nghiêm cách ly phòng dịch. Điều quan trọng nữa là quản lý sau thời gian cách ly đi về doanh nghiệp làm việc, bởi đây vẫn là diện giám sát y tế sau cách ly. Kể cả người Việt Nam sau cách ly tập trung xong cũng lơ là theo dõi y tế khi về nhà. 

Theo Ban Chỉ đạo, khi đưa chuyên gia vào phải do UBND tỉnh đề nghị và khi đề nghị phải biết chuyên gia đến doanh nghiệp nào và phải có kế hoạch chuẩn bị về cách ly, theo dõi y tế thế nào… Nhưng nhiều nơi đã làm không chặt chẽ, y tế, công an, quân đội không có phương án cho các trường hợp này. 

“Do vậy, chúng ta phải siết lại. Với tinh thần cụ thể, người ra khỏi khu cách ly nếu là người Việt Nam, phải bàn giao cho các tổ dân phố. Với chuyên gia nước ngoài khi ra khỏi khu cách ly tập trung về doanh nghiệp làm việc phải thực hiện theo đúng kế hoạch ban đầu và doanh nghiệp phải có trách nhiệm. Các tỉnh vừa qua đã kiểm tra, kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan y tế địa phương, của một số cá nhân, nhưng lại bỏ sót trách nhiệm của các doanh nghiệp trên địa bàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Về xét nghiệm, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, hiện nhiều tỉnh chưa có máy xét nghiệm RT-PCR. Theo đó, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cho rằng, các địa phương này chưa làm tốt phương châm 4 tại chỗ để ứng phó dịch.

Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh phối hợp với nhau để củng cố hỗ trợ năng lực xét nghiệm, đảm bảo xét nghiệm phòng, chống dịch. Đồng thời, đề nghị Hà Nội, TPHCM và những địa phương có kinh nghiệm hỗ trợ các địa phương khác trong triển khai xét nghiệm.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nhấn mạnh vấn đề khoanh vùng và phong tỏa, theo đó vẫn đặt mục tiêu “chống dịch hiệu quả đồng thời phát triển kinh tế”. Đây là trách nhiệm và bản lĩnh của địa phương, với nguyên tắc khoanh gọn, tạm dừng các hoạt động dịch vụ không cấp thiết….

“Với quyết định giãn cách toàn tỉnh phải hết sức thận trọng và bản lĩnh”, Phó Thủ tướng nói.

Nguồn lây cho ổ dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở Đông Anh từ bên ngoài vào

Tại cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện K vào chiều tối 7/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc của lực lượng y bác sĩ của 2 đơn vị. Đồng thời Phó Thủ tướng mong muốn lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch vững lòng, tiếp tục đoàn kết, đồng sức đồng lòng, vượt qua giai đoạn khó khăn, luôn đi đầu toàn quốc trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chiến đấu và chiến thắng dịch COVID-19. 

Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho biết, hiện đơn vị này ghi nhận 11 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Với đặc thù là đơn vị chuyên điều trị về ung thư, Giám đốc Bệnh viện đề nghị hỗ trợ chuyển bệnh nhân sang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW.

Về công tác phòng, chống dịch bệnh, Giám đốc Bệnh viện K Lê Văn Quảng cho biết, đã ký quyết định về việc tạm thời phong tỏa từ 5 giờ 30 phút ngày 7/5 toàn bộ bệnh viện (gồm 3 cơ sở) để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại đơn vị. Bên cạnh công tác rà soát, làm gộp mẫu sàng lọc, bệnh viện cũng đã chuẩn bị các phương án, khu riêng để điều trị các bệnh nhân nặng.

truc tuyen

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long họp trực tuyến với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.W và Bệnh viện K.

Từ điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, lãnh đạo bệnh viện cho biết, đến nay, 827 mẫu của toàn bộ cán bộ nhân viên cở sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) đã được xét nghiệm, trong đó, 42 trường hợp dương tính. Hiện bệnh viện đang điều trị 120 ca dương tính với COVID-19; 220 ca là bệnh nhân thường.

Ngay sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19, Bộ Y tế đã tổ chức cách ly y tế toàn bộ bệnh viện từ 8 giờ ngày 5/5/2021, đồng thời lập danh sách 685 người nhập viện từ ngày 20/4 tới 5/5 và đang phối hợp với các địa phương rà soát, lấy mẫu xét nghiệm. Hiện đã xét nghiệm 1.435 mẫu của nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà tại 2 cơ sở Đông Anh (835 mẫu) và Giải Phóng (600 mẫu).

Cùng với đó, bệnh viện đã tiến hành khoanh vùng, cách ly, chia thành các khu vực khác nhau để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Người nhà chăm sóc bệnh nhân được chuyển sang khu riêng. 

Ngày 7/5, bệnh viện tiếp tục tổ chức xét nghiệm COVID-19 lần thứ 2 để sàng lọc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế. Dự kiến, đêm nay sẽ có kết quả. Bước đầu, tất cả nhân viên làm việc ở khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Qua phân tích khả năng lây nhiễm dịch bệnh trong bệnh viện, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW khẳng định, nguồn lây cho bệnh viện là từ cộng đồng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW đề nghị giải tỏa bớt bệnh nhân thường sang các bệnh viện xung quanh; đồng thời đưa các bệnh nhân mắc COVID-19 đã có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 xuống Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 Hà Nam để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Qua giải trình tự gen, bệnh viện ghi nhận sự lưu hành biến chủng virrus được phát hiện tại Anh (B.1.1.7) và Ấn Độ (B.1.617). Trong khi đó, bệnh viện có nguy cơ lây nhiễm cao do các bệnh nhân di chuyển từ các địa phương trong khu vực về bệnh viện thăm khám đông, trong khi đó, một số người không có biểu hiện lâm sàng mắc COVID-19 khiến công tác phân luồng, khám sàng lọc ban đầu còn nhiều khó khăn… 

Do đó, lãnh đạo bệnh viện đề xuất Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Y tế xem xét cơ chế xét nghiệm sàng lọc hoặc chỉ điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, tạm thời không điều trị các bệnh khác.