“Điều kỳ diệu" của Momo

23:55 21/04/2022

Từ câu chuyện của Momo, đây như một “điều kỳ diệu" cho các công ty khởi nghiệp, bởi đã có sự bứt phá ngoạn mục ngay tại thời điểm Covid hoành hành nhất.

Năm 2021, startup MoMo hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với tổng số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD. Vòng gọi vốn này của MoMo được dẫn đầu bởi Mizuho (Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản) và một nhóm các nhà đầu tư toàn cầu gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. 

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Bá Diệp, Đồng sáng lập kiêm

Phó Chủ tịch Momo.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Momo cho biết: “Covid năm 2020 và 2021 là một điều khủng khiếp đối với doanh nghiệp nói chung. Khi Covid mới bùng phát, chúng tôi cảm giác như trời sắp sập”. Bởi tất cả hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của toàn xã hội đều dừng lại, đối với doanh nghiệp đó là một nỗi sợ tới mức đêm không thể ngon giấc. Tuy nhiên, khi bình tĩnh nhìn nhận lại, đối với những công ty công nghệ số như Momo lại là “trong nguy có cơ".

Ông giải thích thêm, hoạt động thanh toán trong các lĩnh vực nhà hàng, vui chơi, giải trí bị đóng băng thì lại chứng kiến sự tăng “đột biến" ở những mảng thanh toán khác, cũng như số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng. Khi khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác, họ bắt buộc phải dùng những biện pháp thanh toán điện tử để phục vụ cho nhu cầu hằng ngày.

Nhìn nhận ra vấn đề đó, Momo đã nắm bắt cơ hội, thừa thắng xông lên và đạt mức tăng trưởng 1000% mỗi năm. “Tức là, tốc độ tăng trưởng của hai năm 2020, 2021 bằng đúng 20 năm chúng tôi cố gắng nếu không có Covid", ông nhấn mạnh.

Qua đó, cũng có thể thấy, bên cạnh những mặt tiêu cực Covid đem lại cho tất cả, thì đây cũng là chất xúc tác để thúc đẩy không chỉ quá trình chuyển đổi số quốc gia từ chính những người dân, mà còn tăng cường ĐMST trong mỗi doanh nghiệp, để hướng tới năm 2030, nền kinh tế số đóng góp 30% cho tổng GDP.

Startup là một câu chuyện dài, phải mất tới hơn 8 năm để doanh nghiệp có thể trở thành kỳ lân ở thị trường Đông Nam Á. Với Momo, chặng đường này còn là 15 năm. Do vậy, đòi hỏi tính kiên định rất cao từ những nhà sáng lập.

MoMo từng được biết đến là ứng dụng ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam suốt nhiều năm liền. Tuy vậy, giờ đây startup này đang hướng đến việc phát triển trở thành một super app (siêu ứng dụng). 

Hiện MoMo có hơn 1.600 nhân viên với trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và các văn phòng tại Hà Nội và Đà Nẵng. Công ty thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (FinTech) này hiện có khoảng 31 triệu người dùng với hơn 140.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.

Startup trong lĩnh vực Fintech này còn hướng đến việc tiếp tục mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam. 

Bên cạnh đó, MoMo sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái cũng như mở rộng và tăng cường dịch vụ tại các thành phố cấp 2, cấp 3 cũng như các vùng nông thôn.

Diệu Thuần