Điều gì tạo nên sự phổ biến của các ứng dụng Trung Quốc tại Mỹ?

22:55 03/04/2023

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong phát triển thuật toán gợi ý vốn được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Ảnh minh họa
Ứng dụng CapCut được người dùng tại Mỹ ưa thích sử dụng. 

Những ứng dụng Trung Quốc thu hút người dùng tại Mỹ

Ngoài sự phổ biến của ứng dụng Tiktok tại Mỹ, nền tảng Trung Quốc về mua sắm như Shein cũng đã len lỏi vào cuộc sống giới trẻ Mỹ và nằm trong số những ứng dụng được tải nhiều nhất gần đây tại nước này.

4 trong 5 ứng dụng được ưa chuộng nhất ở Mỹ trong tháng 3 đều là sản phẩm từ Trung Quốc, với các thuật toán được coi là bí quyết thành công. Theo công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, nền tảng mua sắm Trung Quốc Temu, mới ra mắt 7 tháng, là ứng dụng được tải về nhiều nhất tại các cửa hàng ứng dụng Mỹ trong ba tuần đầu tiên của tháng 3.

Theo sau là ứng dựng chỉnh sửa video CapCut và TikTok. Xếp thứ tư là ứng dụng mua sắm Shein. Nằm cuối cùng trong top 5 là Facebook, ứng dụng duy nhất không phải từ Trung Quốc.

CapCut

Ứng dụng chỉnh sửa video CapCut thường được quảng cáo là trình chỉnh sửa đồng hành với những người tạo nội dung trên TikTok, và nó đã được tải xuống 13 triệu lần chỉ trong tháng Hai, theo Sensor Tower.

Công cụ này được tối ưu hóa để chỉnh sửa video trên thiết bị di động tiện dụng và cung cấp một loạt tính năng được thiết kế để làm cho video của bạn dễ được lan truyền mạnh, chẳng hạn như bỏ thêm các ca khúc phổ biến, sử dụng bộ lọc và hiệu ứng đặc biệt.

CapCut cũng thuộc sở hữu của công ty mẹ của TikTok, ByteDance.

Shein

Theo tạp chí Forbes, Shein là thương hiệu thời trang được thành lập vào năm 2012 và hiện nay đạt giá trị gần 15 tỷ USD. Trụ sở của Shein được đặt tại Singapore. Tỷ phú Trung Quốc Chris Xu là người sáng lập ra thương hiệu này.

Shein hiện là ứng dụng thời trang nhanh hàng đầu ở Mỹ đồng thời cũng đang lớn mạnh trên toàn cầu. Theo Statista, tính riêng trong năm 2022, đã có 195 triệu lượt tải về ứng dụng này.

Người mua của Shein đóng vai trò như nhà nhập khẩu đối với sản phẩm bán trên ứng dụng hoặc trang web của hãng. Điều này có nghĩa là Shein không phải trả thuế nhập khẩu đối với trang phục bán cho người tiêu dùng Mỹ. Shein hoạt động theo kiểu miễn thuế, trừ khi một đơn hàng vượt quá mức 800 USD. Hầu hết trang phục trên Shein không quá đắt đỏ. Với 800 USD, khách hàng có thể mua về nhiều quần áo và phụ kiện rẻ trước khi xu hướng thời trang lại thay đổi.

Shein cũng sử dụng mạng xã hội để nhắm đến người sử dụng GenZ với hàng trăm sản phẩm giá rẻ mới mỗi ngày.

Màn hình hiển thị ứng dụng mua sắm Shein. Ảnh: Bloomberg
Màn hình hiển thị ứng dụng mua sắm Shein. Ảnh: Bloomberg.

Temu

Chưa đầy một năm kể từ khi ứng dụng mua sắm này ra mắt tại Hoa Kỳ, nhưng nó đã nhanh chóng vượt qua Amazon và Walmart.

Siêu thị trực tuyến này bán mọi thứ, từ quần áo đến đồ điện tử và cho phép người tiêu dùng bỏ qua các cửa hàng tổng kho để mua trực tiếp từ nhà sản xuất Trung Quốc.

Giá thấp đến mức nhiều người Mỹ đã tìm kiếm "Temu có hợp pháp không" sau khi công ty chạy một quảng cáo trong Super Bowl năm nay.

Công ty có trụ sở chính tại Boston, MA, nhưng là công ty con của PDD Holdings, một hãng bán lẻ trực tuyến khổng lồ thuộc sở hữu của Trung Quốc, chuyên về các sản phẩm trực tiếp phục vụ người tiêu dùng.

Đâu là bí quyết dẫn đến thành công

Các thuật toán thường được coi là “nước sốt bí mật” của những ứng dụng này. Nhưng một khía cạnh bị bỏ qua là việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước đã giúp các công ty Trung Quốc dễ dàng vượt lên đối thủ phương Tây.

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang dẫn đầu trong phát triển thuật toán gợi ý vốn được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, tương tự như thuật toán được sử dụng bởi TikTok và WeChat.

Các chuyên gia đánh giá thành công của các ứng dụng Trung Quốc ở Mỹ cũng một phần bắt nguồn từ cuộc cạnh tranh căng thẳng trong chính thị trường nội địa. Nhà nghiên cứu Zeyi Yang tại tạp chí MIT Review phân tích: “Các công ty công nghệ Trung Quốc đã có thời gian cạnh tranh căng thẳng tại quê nhà khiến họ về một cách nào đó vượt trội hơn các ứng dụng của Mỹ”.

TikTok đã thu hút được 150 triệu người dùng ở Mỹ, phần lớn trong số họ là thanh thiếu niên và thanh niên bị thu hút bởi giao diện đơn giản của ứng dụng cũng như thuật toán gây nghiện cung cấp các video ngắn về bất kỳ chủ đề nào.

Sự phổ biến của các ứng dụng khiến chúng bị cuốn vào con sóng căng thẳng địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh, đặc biệt là TikTok. Chính quyền Tổng thống Biden đã đe doạ cấm cửa nền tảng chia sẻ video này nếu ByteDance không bán cổ phần. Tuần trước, CEO Shou Zi Chew của TikTok cũng chịu trận trong 1 buổi điều trần tại Hạ viện Mỹ khi liên tục bị chất vấn về ảnh hưởng tiềm ẩn của Trung Quốc với ứng dụng này.

Sự việc có khả năng tiếp tục leo thang trong thời gian tới. Một lệnh cấm TikTok sẽ là tiền lệ để Mỹ cấm toàn diện nhiều loại công nghệ khác nữa của Trung Quốc, trong đó có không ít ứng dụng giới trẻ tại đây yêu thích.

Cả Shein và Temu đã và đang tìm cách tránh bị đưa vào tầm ngắm. Năm 2021, Shein thay đổi công ty mẹ từ nguồn gốc Hồng Kông, trở thành pháp nhân có trụ sở tại Singapore. Theo Sensor Tower, ứng dụng có chuỗi cung ứng bắt đầu từ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, cho đến giờ vẫn là nền tảng mua sắm hàng đầu tại Mỹ.

Trong khi đó, lần đầu tiên ra mắt người dùng tại thị trường này vào mùa mua sắm cuối năm ngoái, Temu đã đạt 13 triệu lượt tải xuống trong quý IV, gấp đôi Shein. Temu đặt trụ sở ở Boston và điều hành hoạt động kinh doanh tại Mỹ thông qua công ty có trụ sở ở Delaware.

Minh Tú (t/h)