TikTok bỏ hàng triệu USD để vận động chính phủ Mỹ nhưng chưa thành công

22:10 02/04/2023

Đây chỉ là một phần trong nỗ lực lớn của gã khồng lồ công nghệ Trung Quốc TikTok để ngăn chặn một lệnh cấm từ Mỹ. Ứng dụng hiện có 150 triệu người dùng tại đây.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

CNBC dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề rằng, Michael Beckerman, Giám đốc cấp cao của TikTok tại Mỹ, hồi tháng 2 đã gọi điện cho hạ nghị sĩ Ken Buck sau khi ông và thượng nghị sĩ Johh Hawley đề xuất dự luật cấm TikTok trên toàn nước Mỹ.

Beckerman phủ nhận lo ngại rằng, TikTok thu thập dữ liệu người dùng Mỹ, đồng thời quảng bá về sáng kiến "Dự án Texas". Đây là nỗ lực của TikTok nhằm tăng cường bảo vệ thông tin của người dùng Mỹ, xoa dịu chính phủ Mỹ về nguy cơ công ty mẹ ByteDance và giới chức Trung Quốc tiếp cận được dữ liệu.

Cuộc gọi nằm trong chiến dịch vận động hành lang của TikTok và ByteDance với khoản tiền 13 triệu USD tính từ 2019 trong bối cảnh nhiều nhà lập pháp Mỹ đề xuất cấm hoàn toàn ứng dụng.

Phát ngôn viên TikTok Brooke Oberwetter không phủ nhận thông tin được tiết lộ, nhấn mạnh công ty đang tìm cách giải tỏa các lo ngại về tính riêng tư và an toàn tại Mỹ. "Đội ngũ ở Washington luôn tập trung vào cung cấp thông tin đầy đủ cho giới lập pháp, công chúng Mỹ và cổ đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông báo về tiến độ Dự án Texas với các nghị sĩ và người dân Mỹ", bà cho hay.

Đây chỉ là một phần trong nỗ lực lớn của TikTok để ngăn chặn một lệnh cấm từ Mỹ. Ứng dụng hiện có 150 triệu người dùng tại đây. CEO TikTok Shou Zi Chew đã điều trần trước Hạ viện Mỹ nhưng hầu hết các nhà lập pháp đều không cảm thấy thuyết phục đối với Dự án Texas

Từ sau cuộc gọi với Beckerman, ông Buck vẫn không rút lại việc gọi TikTok là nguy cơ an ninh quốc gia. Nhân viên của ông cho biết, họ vẫn lo ngại về các chính sách quyền riêng tư, an ninh mạng và an ninh quốc gia của công ty. Một đồng minh khác của ông Buck tiết lộ với CNBC rằng TikTok đang lãng phí số tiền vận động hành lang này khi muốn thay đổi suy nghĩ của thượng nghị sỹ.

TikTok hiện là đối tượng chịu sự giám sát ngày càng nhiều từ các nhà lập pháp và quan chức chính phủ. Những tháng gần đây, giới quan chức thường xuyên bày tỏ lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu được cấp cho người dùng Mỹ, và liệu thông tin cá nhân của họ có bị chính phủ Trung Quốc truy cập hay không.

Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế nhập khẩu vào Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7.2018, sau khi một cuộc điều tra kết luận Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ từ các công ty Mỹ và buộc họ phải chuyển giao công nghệ.

Trong phiên điều trần kéo dài liên tục gần 5 tiếng hôm 23/3, CEO TikTok Shou Chew đã đối mặt với hàng loạt câu hỏi từ các nghị sĩ lưỡng đảng, với mối nghi ngờ chính liên quan đến việc gửi dữ liệu của người dùng Mỹ về Trung Quốc, đồng thời yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc nền tảng sẽ bị cấm.

Ông Shou Chew khẳng định, TikTok hoạt động độc lập với công ty mẹ tại Bắc Kinh, đồng thời trụ sở chính của nền tảng nằm ở Singapore và Los Angeles. "Điểm mấu chốt đây là dữ liệu của Mỹ, trên đất Mỹ, của một công ty Mỹ và do nhân viên Mỹ giám sát", ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, CEO TikTok không trả lời dứt khoát liệu nhân viên ByteDance có quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Mỹ hay không, thay vào đó chỉ nói "không thấy bằng chứng".

Theo OpenSecrets, ByteDance và TikTok đã chi tổng cộng hơn 13 triệu USD cho các nỗ lực vận động chính phủ Mỹ từ năm 2019. Tất cả các nhà vận động hành lang của ByteDance đều làm cho TikTok, trong khi TikTok cũng tuyển một số chuyên gia riêng. Phần lớn chi phí do ByteDance bỏ ra. Năm 2022, công ty bỏ ra số tiền kỷ lục 5,3 triệu USD để vận động.

TikTok chi hơn 900.000 USD từ năm 2020 cho các chuyên gia vận động bên ngoài. Năm ngoái, ByteDance còn quyên góp hơn 400.000 USD cho các tổ chức phi lợi nhuận liên quan đến một số thành viên Quốc hội Mỹ.

Nhà Trắng không bình luận gì khi được hỏi về các nỗ lực vận động hành lang của TikTok.

Thu Phương (t/h)