Đèn chiếu sáng công nghệ Led: Giải pháp tiết kiệm điện năng tại Việt Nam

00:00 12/10/2020

Hiện nay, điện dùng cho chiếu sáng tại Việt Nam chiếm tới 35% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước, trong khi thế giới, lĩnh vực này chỉ chiếm 15 - 17%. Vì vậy, giải pháp tiết kiệm điện năng cho chiếu sáng tại Việt Nam đang trở lên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Tiêu thụ điện năng quá lớn cho điện chiếu sáng

Tiết kiệm năng lượng được xác định là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu để giải quyết bài toán phát triển bền vững, hướng đến nền kinh tế xanh theo hướng hiện đại, tiết kiệm ngân sách. Trong xu thế tiết kiệm năng lượng chung, tiết kiệm  tiêu thụ điện năng đang được xem là giải pháp tối ưu.

Ông Huỳnh Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hội chiếu sáng Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm chiếu sáng Đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết: “Điện năng dùng cho chiếu sáng tại Việt Nam chiếm tới 35% tổng điện năng tiêu thụ, gấp hơn hai lần so với thế giới”.

Nguyên nhân là do việc thiết kế, lắp đặt, sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng chưa hiệu quả. Các thành phố lớn tại Việt Nam chủ yếu dùng đèn thủy ngân cao áp hoặc sodium cao áp cho hệ thống chiếu sáng công cộng. Loại đèn này tiêu thụ nhiều điện năng, hiệu quả chiếu sáng chưa cao và tuổi thọ thấp. Hệ thống các trạm điều khiển đèn vẫn chỉ được điều khiển bằng tủ cục và hầu như chưa có thiết bị điều khiển chiếu sáng cho hệ thống.

TP Hồ Chí Minh đô thị lớn nhất cả nước, hệ thống chiếu sáng tiêu thụ hơn 162 triệu KWh điện/năm, trong đó chiếu sáng công cộng chiếm khoảng 90 triệu KWh điện/năm, ước tính Thành phố phải chi trả hơn 130 tỷ đồng  mỗi năm.

Trong đó có 102.500 bóng đèn công cộng hiện đang sử dụng, đèn cao áp HPS 400W chiếm 2,4% , đèn HPS 250W chiếm 39% và đèn HPS chiếm từ 100 - 150W chiếm 58,5%.

Thực tế, tại Việt Nam có phạm vi chiếu sáng lớn với trên 760 đô thị. Chiếu sáng đường phố chiếm 1- 2% trong khi chiếu sáng trong các tòa nhà, khu chung cư đang chiếm 40%, trung tâm thương mại chiếm tới 35% và việc tiết kiệm điện năng ở các khu vực này hiện chưa xử lý được. Trong đơn giá xây dựng các công trình mới hiện nay chưa có đề xuất lắp bóng đèn Led.

Với điện năng cho chiếu sáng chiếm 35% tổng lượng điện tiêu thụ, Việt Nam đang có một dư địa tiết giảm rất lớn. Nếu áp dụng công nghệ tiên tiến vào chiếu sáng, Việt Nam sẽ giảm được lượng điện tiêu thụ đáng kể, có thể đạt với mức chuẩn của thế giới.

“Vấn đề là cần có giải pháp khoa học công nghệ nào trong nước làm chủ được, cạnh tranh được về giá cho nhu cầu thay bóng đèn Led tiết kiệm điện. Lựa chọn công nghệ bóng đèn Led là giải pháp tối ưu trong sử dụng tiết kiệm điện, năng lượng hiệu quả. Nhưng công tác tuyên truyền phải như thế nào để người dân hiểu và sử dụng”. Ông Dũng đặt vấn đề.

Đèn chiếu sáng công nghệ Led, giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường

 Tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam hiện tại và trong tương lai đòi hỏi nhu cầu điện năng rất lớn, trong khi nguồn cung điện năng lại không dồi dào, viễn cảnh  thiếu hụt trầm trọng điện năng phục vụ phát triển kinh tế là điều khó tránh khỏi.

Do đó, việc sử dụng các công nghệ chiếu sáng bằng công nghệ đèn Led hiện đại, kết hợp với các giải pháp kỹ thuật không chỉ đảm bảo độ chiếu sáng mà còn là giải pháp tích cực trong việc tiết kiệm năng lượng. Chứ không thể đơn thuần là cắt giảm nguồn chiếu sáng, để hướng tới việc giảm được lượng điện tiêu thụ cho chiếu sáng, có thể đạt với mức chuẩn của thế giới là yêu cầu mang tính cấp thiết hơn bao giờ hết.

Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh: “Hiệu quả ứng dụng công nghệ Led trong chiếu sáng đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, trong thị trường đa dạng chủng loại đèn Led, việc lựa chọn sản phẩm công nghệ phù hợp cho các đô thị của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cần có sự tham vấn đúng đắn”.

“Nếu thay thế toàn bộ hệ thống đèn Led công suất từ 65 - 200W TP Hồ Chí Minh sẽ tiết kiệm được hơn 55 triệu kwh/năm, tương đương khoảng 88 tỷ đồng/năm, đồng thời sẽ giảm 31 tấn phát thải CO2 vào môi trường mỗi năm”. Ông Tước nhấn mạnh.

Tại hội thảo “Nghiên cứu lựa chọn công nghệ Led trong chiếu sáng đô thị” do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM tổ chức, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã nêu rõ hiệu quả việc tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường từ sử dụng công nghệ đèn Led tại hai nền kinh tế hàng đầu châu lục và các quốc gia phát triển khác trên thế giới.

Việc tiết kiệm điện năng đi đôi với bảo vệ môi trường nhằm phát triển bền vững trong việc sử dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn Led đã được khẳng định. Do đó, cần có giải pháp thay thế 15 tỷ bóng đèn chiếu sáng hiện nay là nhu cầu vô cùng lớn. Lựa chọn công nghệ bóng đèn bán dẫn phát quang Led cần được thực hiện đồng bộ hóa trên phạm vi cả nước bao giờ sẽ thực hiện được.? Ông Tước đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết: “Đèn Led không có chất độc, giảm thiểu ô nhiễm, hiệu quả cao, dễ sử dụng và tiềm năng sản xuất của Việt Nam cũng rất lớn. Hiện trong nước đã có 200 cơ sở sản xuất và phân phối sản phẩm. Nếu mạnh dạn thay đèn sợi đốt bằng đèn Led, mỗi năm ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng”.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để việc chuyển đổi đạt hiệu quả, cần quy hoạch những nhà sản xuất được đèn Led trong nước đảm bảo chất lượng cung cấp cho thị trường. Cần cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ kích thích giải pháp công nghệ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng.

Trong đầu tư, các đơn vị cần có sự nghiên cứu, mạnh dạn đầu tư các thiết bị hiện đại, công nghệ chiếu sáng đèn Led tiên tiến để vừa đảm bảo tiết kiệm năng lượng, vừa mang lại lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư. Nếu áp dụng các giải pháp này, mô hình tiết kiệm điện năng sẽ đem lại hiệu quả tốt do tiết kiệm được nguồn điện năng  lớn.

Có thể nói đèn Led là sản phẩm đèn chiếu sáng đem đến nhiều lợi ích nhất cho xã hội ngày nay mà không phải bấy kỳ loại đèn nào cũng làm được.

Chương trình mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, Việt Nam phấn đấu tiết kiệm đạt mức 3- 5% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước, tương đương tiết kiệm được 4,9 triệu tấn dầu quy đổi. Mục tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020, tiếp tục tăng  tiết kiệm năng lượng lên đến 16 triệu tấn dầu quy đổi.

Bài và ảnh: Tấn Anh (Văn phòng Đại diện phía Nam)