Đề xuất sử dụng nền tảng số để đào tạo các môn học lý thuyết về lái xe ôtô

16:41 24/08/2023

Địa điểm thực hiện đề án thí điểm là trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hiệp Phát thuộc Công ty TNHH ô tô Hiệp Phát thực hiện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản gửi UBND Thành phố, đề xuất đề án thí điểm đào tạo tập trung trên nền tảng số với đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B,C.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất UBND Thành phố có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến chấp thuận cho doanh nghiệp thực hiện đề án thí điểm đào tạo tập trung các môn học lý thuyết (gồm học, thời gian học, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp) trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B1, B2 và C.

Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất sử dụng nền tảng số để đào tạo tập trung các môn học lý thuyết (học, thời gian học, kiểm tra hết môn và thi tốt nghiệp) gồm pháp luật giao thông đường bộ; cấu tạo và sửa chữa thông thường; nghiệp vụ vận tải; đạo đức, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; kỹ thuật lái xe.

Địa điểm thực hiện đề án thí điểm là trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Hiệp Phát thuộc Công ty TNHH ô tô Hiệp Phát thực hiện.

Thời gian đề xuất thí điểm là 2 năm kể từ ngày chấp thuận hoặc đến khi Luật Giao thông Đường bộ năm 2008 được thay thế; trong đó có quy định mới đối với nội dung đào tạo các môn học lý thuyết.

Sau khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời xem xét giải quyết đối với đề án đề xuất thí điểm (nếu có) của các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tránh tình trạng độc quyền.

Trước đấy, vào ngày 12-7-2023, Công ty TNHH ô tô Hiệp Phát có văn bản về việc xin triển khai đề án thí điểm đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái xe ô tô hạng B (B1, B2), C.

Hình thức học tập của đào tạo trên nền tảng số là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giảng dạy bao gồm các hình thức học tập sử dụng các công cụ và tài nguyên kỹ thuật số như: máy tính, điện thoại, internet, phần mềm, ứng dụng, trang web ...; Người học có thể học theo cách tự giác và độc lập, hoặc hợp tác và tương tác với người dạy và người học khác.

“Người học tự tra cứu bài học, trao đổi thông tin về nội dung học, kinh nghiệm... Ưu điểm của hình thức này là: người học có thể tự học mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí học tập, tiết kiệm thời gian học tập, linh động”- công ty này đề xuất.

Trên cơ sở đó, Sở GTVT đề xuất: Để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe, góp phần giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ cần phải hướng đến việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đào tạo lái xe. Việc này nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân khi bố trí thời gian học được linh hoạt và phù hợp với những xu hướng, lộ trình chuyển đổi số của thế giới trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

“Việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái xe ô tô, thay đổi phương thức đào tạo các môn học lý thuyết từ truyền thống sang phương thức đào tạo theo mô hình tập trung trên nền tảng số phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT”- Sở GTVT trình bày.

Cũng theo Sở GTVT, đề án này khi được đưa vào thực hiện sẽ mang tính khả thi cao, mang lại các về hiệu quả công nghệ, kinh tế và xã hội để có thể áp dụng triển khai trong cả nước; phần nào đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người học vì người học có thể tự học mọi lúc mọi nơi, tiết kiệm chi phí học tập, tiết kiệm thời gian học tập, linh động.

Minh Tú (t/h)