Để doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng

11:40 09/03/2021

Đầu năm 2021, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp. Thời gian tới, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ và xây dựng chính sách để ngành chế biến, chế tạo phát triển mạnh hơn nữa.

Theo Thông tin từ Bộ Công thương, tính chung 2 tháng đầu năm 2021, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), dẫn đầu các nhóm ngành.

Có thể thấy từ cuối năm 2020 tới đầu năm 2021, ngành chế biến, chế tạo đang dẫn đầu tăng trưởng trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp. Thực tế, tăng trưởng dương của Việt Nam năm 2020 dựa trên trụ cột về tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là các ngành có hàm lượng và giá trị công nghệ cao như: Chế tạo điện tử, linh kiện điện tử, máy tính, cơ khí, sản phẩm phục vụ ngành ôtô... 

Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu tăng trưởng
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu tăng trưởng.

Để có được sự phát triển như hiện tại, theo ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) 3 năm gần đây cơ cấu nhóm ngành có sự thay đổi rất tích cực. Cụ thể, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, tránh phụ thuộc vào ngành khai khoáng. Nhiều nhóm ngành có sự phát triển rất nhanh, có giá trị xuất khẩu đứng “top” trong khu vực và thế giới như: Điện tử, dệt may, da giày...

Thời gian tới, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết: Cục Công nghiệp luôn chủ động kết nối các tập đoàn và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh như Samsung, Toyota với doanh nghiệp trong nước.

Cục Công nghiệp cũng đang hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, chế biến, chế tạo nói riêng. Cụ thể, tại Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng chính sách cấp bù chênh lệch lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung xây dựng chính sách và giải pháp phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên có tiềm năng và cơ hội phát triển như: Công nghiệp ôtô, dệt may, da giày, điện tử, khoáng sản, công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... và các ngành công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Đặc biệt, chú trọng thúc đẩy tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ...; tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Linh Anh