Đẩy mạnh khám, chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chíp tại Phú Thọ

10:20 29/10/2022

Triển khai việc sử dụng căn cước công dân (CCCD), ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) giấy để khám, chữa bệnh BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp tại BVĐK tỉnh Phú Thọ
Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp tại BVĐK tỉnh Phú Thọ.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh Phú Thọ, đến nay 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh gồm 36 đầu mối cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, 225 trạm y tế xã, phường, thị trấn và bảy phòng khám đa khoa trực thuộc TTYT đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.277.488 người tham gia BHYT tỷ lệ bao phủ BHYT là 92,3%; trong đó có 537.307 người đã được tích hợp thông tin thẻ BHYT trong CCCD gắn chíp đạt 42% và đã có 36.293 lượt tra cứu thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp.

Theo quy trình xử lý, đối với những trường hợp trên CCCD có gắn chíp đã được tích hợp đồng bộ thông tin dữ liệu về thẻ BHYT thì khi làm thủ tục khám, chữa bệnh sẽ rất nhanh do không mất nhiều thời gian tra cứu, đối chiếu thông tin. Trong những lần đi khám, chữa bệnh tiếp theo thì chỉ cần nhớ mã số trên CCCD cũng đã làm được thủ tục khám, chữa bệnh do hệ thống đã lưu thông tin.

Đồng thời, đối với trường hợp khi kiểm tra thông tin CCCD nhưng chưa tích hợp về tham gia BHYT, cán bộ y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT sẽ giải thích để người bệnh đó biết tình trạng của thẻ BHYT trên CCCD chưa được đồng bộ và thực hiện tiếp đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành là xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh.

Một bệnh nhân đến khám bệnh định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ sử dụng thẻ BHYT qua CCCD gắn chíp cho biết: “Việc sử dựng CCCD gắn chíp thay thế thẻ KCB thông thường là một ứng dụng công nghệ mới, nhưng tôi đã kịp thời cập nhật thông tin, nắm bắt kỹ năng sử dụng và bước đầu giúp người dân chúng tôi có thể áp dụng mà không phải lưu giữ nhiều loại gấy tờ, rất tiện lợi và hiệu quả”.

Chị Nguyễn Thị Kim Huệ - Điều dưỡng trưởng, Khoa khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Bệnh viện đã triển khai nhiệm vụ này từ tháng 3/2022, chúng tôi được tập huấn sử dụng máy. Phòng khám có sáu cửa đều được trang bị đầu đọc thẻ, song mỗi ngày có khoảng 10 lượt người sử dụng CCCD gắn chíp thay thế thẻ KCB/ gần 1.000 lượt bệnh nhân”.

Khoảng 10% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có thẻ BHYT bằng CCCD tại BVĐK Hùng Vương
Khoảng 10% bệnh nhân đến khám, chữa bệnh có thẻ BHYT bằng CCCD tại BVĐK Hùng Vương.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (huyện Đoan Hùng) hiện mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 500 lượt người đến khám, chữa bệnh, trong số đó có khoảng 10% thực hiện khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Công tác tuyên truyền người dân đến khám, chữa bệnh có thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp đang được bệnh viện đẩy mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD hiện nay gặp một số khó khăn, vướng mắc: Việc tích hợp giữa dữ liệu về thẻ BHYT và dữ liệu CCCD chưa nhiều, chủ yếu là khối hành chính, sự nghiệp; những CCCD đã tích hợp thẻ BHYT dữ liệu đôi khi bị lỗi phông chữ; quá trình tra cứu mất nhiều thời gian do các thiết bị quét mã QR của cơ sở khám, chữa bệnh chưa đồng bộ để quét được CCCD mà phải nhập thông tin thủ công.

Đồng chí Phan Sỹ Liên - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phú Thọ cho biết: “Việc triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải xuất trình thẻ BHYT giấy, không phải làm thủ tục xin cấp lại trong trường hợp mất hoặc thẻ rách, hỏng, hết hạn, mà còn giúp giảm bớt áp lực cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn chậm và thiếu đồng bộ. Việc áp dụng công nghệ mới, thời gian đầu sẽ khiến một số nhóm đối tượng, như người lớn tuổi chưa thể ứng dụng vì khó thay đổi thói quen cũ. Do đó cần sự hướng dẫn, tuyên truyền, có các giải pháp phù hợp để các nhóm đối tượng đều có thể dễ dàng thực hiện”.

Việc sử dụng CCCD gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý. Các cơ sở y tế và cả người dân tránh tình trạng sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khác, thất thoát thẻ bảo hiểm y tế của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ bảo hiểm y tế, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

P.V