Đẩy lùi “tín dụng đen”: Rà soát kịp thời dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm

10:28 18/10/2022

Chia sẻ tại Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế", sáng 18/10, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, thời gian tới, để tăng cường các biện pháp đẩy lùi “tín dụng đen”, cần rà soát, kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm.

Theo Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, sau 3 năm quyết liệt thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh đối với tội phạm và vi phạm pháp luật (TP&VPPL) liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” (HĐTDĐ), tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Ảnh minh họa
Hội thảo "Tài chính Tiêu dùng - Kênh dẫn vốn hiệu quả với người yếu thế". 

Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước. Nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao; tình trạng treo biển, dán tờ rơi, quảng cáo giảm mạnh.

Tính đến tháng 4/2022, toàn quốc hiện có 25.354 CSKD dịch vụ cầm đồ/37.103 người làm nghề (chiếm 18% số cơ sở kinh doanh (CSKD) có điều kiện về an ninh tiền tệ (ANTT), giảm 2.645 cơ sở/4.864 người làm nghề.

Trong 3 năm từ (15/4/2019 – 14/4/2022), qua công tác nghiệp vụ, các địa phương đã rà soát, phát hiện 7.903 CSKD dịch vụ cầm đồ, 691 CSKD tài chính dưới các hình thức, 3.941 cá nhân hoạt động cho vay lãi suất cao, 37 CSKD, 46 cá nhân hoạt động huy động vốn lãi suất cao, 762 cá nhân tham gia hụi, họ, biêu phường, 13 CSKD dịch vụ đòi nợ, 140 băng nhóm/730 đối tượng; 1.874 đối tượng hoạt động đơn lẻ có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen (170 CSKD không phép, 1.293 đối tượng có TATS, 783 đối tượng ngoại tỉnh). Kết quả đã khởi tố 701 bị can, xử phạt hành chính (XPHC) 428 đối tượng.

Cũng trong 3 năm qua, lực lượng công an đã tiếp nhận, phát hiện 2.740 vụ/4.941 đối tượng, trong đó đã khởi tố 1.575 vụ/3.399 bị can; XPHC 719 vụ/1.182 đối tượng. Riêng tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã tiếp nhận, phát hiện 1.592 vụ/2.771 đối tượng; đã khởi tố 1.038 vụ/2.025 bị can; XPHC 359 vụ/485 đối tượng.

Ảnh minh họa
Cần rà soát kịp thời dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm. 

Tình hình TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ tuy được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, nhất là sau tác động của dịch bệnh COVID-19 làm thiệt hại nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng HĐ TDĐ chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (zalo, facebook)… để len lỏi, tiếp cận, mời chào  số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật.

Đáng chú ý, gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện HĐ TDĐ. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác. Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội… của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân viên, người thu nhập thấp cần vay một khoản tiền khoảng vài triệu đồng trong thời gian ngắn mà không muốn thực hiện các thủ tục vay tại ngân hàng, tổ chức tín dụng. Khách hàng có thể không để ý hoặc bỏ qua các thông tin quy định ràng buộc về lãi suất, phí, tiền phạt dẫn đến mức lãi suất phải trả cao hơn nhiều lần lãi suất của ngân hàng, dẫn đến việc vay của ứng dụng sau trả lãi cho ứng dụng trước.

Đại diện Cục Cảnh sát Hình sự nhấn mạnh: Thời gian tới, để tăng cường các biện pháp đẩy lùi “tín dụng đen”, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm đã được phân công tại Chỉ thị số 12.

Thường xuyên tổ chức tuyên truyền phòng ngừa TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương với hình thức sinh động, đa dạng, dễ tiếp cận đến người dân qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, nền tảng di động..., gắn với các vụ án, vụ việc cụ thể.

UBND các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan kịp thời giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội trong và sau thời gian dịch bệnh COVID-19.

“Cục Cảnh sát Hình sự sẽ tham mưu Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương siết chặt công tác quản lý Nhà nước về ANTT có liên quan đến công tác phòng, chống TP&VPPL liên quan đến HĐ TDĐ. Trong đó, cần rà soát, kịp thời phát hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính có biểu hiện vi phạm, liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để có biện pháp phòng ngừa phù hợp”, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự nhấn mạnh.

H.Anh