Tín dụng đen len lỏi vào mạng xã hội, nhiều chiêu trò "lách luật"

18:24 02/12/2021

Việc hiểu, nhận dạng tín dụng đen vẫn còn khá chung chung, giải pháp chưa căn cơ, chưa đồng bộ, dẫn đến kết quả triển khai chưa thực sự hiệu quả, trong khi tệ nạn tín dụng đen vẫn đang hoành hành.

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tổ chức hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn".

Vay 16 tỷ, đã trả hơn 20 tỷ vẫn chưa hết nợ

Tại hội thảo, nói về tình hình tội phạm tín dụng đen, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, trong năm thứ 2 thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/4/2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, lực lượng Công an đã xử phạt hàng nghìn đối tượng với nhiều tội danh. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng, chiếm hơn 51% các vụ vi phạm liên quan đến tín dụng đen.

Các đại diện tham dự hội thảo về nhận diện tín dụng đen
Các đại diện tham dự hội thảo về nhận diện tín dụng đen.

Gần đây, lực lượng Công an đã triệt phá một đường dây cho vay nặng lãi do đối tượng người Hải Phòng cầm đầu, hoạt động tại TPHCM, lãi suất cho vay cao nhất lên tới 1.700%/năm. Tuy chỉ có một bị hại nhưng nạn nhân vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả hơn 20 tỷ đồng nhưng giờ vẫn nợ hơn 11 tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nhiều người lao động rơi vào cảnh khó khăn, mất việc làm và không có tiền chi tiêu, tội phạm tín dụng đen đã lợi dụng tình cảnh này để mở rộng “bẫy” vay nợ thông qua nhiều hình thức, phương thức và thủ đoạn mới tinh vi hơn, hướng đến nhóm đối tượng yếu thế như người lao động nghèo, người dân tộc vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với thông tin… Đồng thời, tội phạm tín dụng đen đã sử dụng nhiều cách thức xử lý, đòi nợ phi pháp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây bức xúc trong xã hội.

Nói thêm về vấn đề này, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà cho hay, nguyên nhân còn do một bộ phận không nhỏ thanh niên còn có nhu cầu vay tiền để phục vụ tiêu xài cá nhân hoặc thậm chí sử dụng cho các mục đích vi phạm pháp luật như sử dụng ma túy, cờ bạc… Hơn nữa, lợi nhuận bất chính quá lớn từ cho vay bất hợp pháp là nguyên nhân khiến tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, len lỏi dưới rất nhiều hình thức, bất chấp lực lượng công an liên tục thực hiện đang đợt truy quét.

Đại diện Bộ Công an cho hay, để đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng hoạt động tín dụng đen chuyển hướng lập các doanh nghiệp núp bóng, cho vay trực tuyến, vay qua ứng dụng hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội… để tiếp cận, mời chào số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền với thủ đoạn quảng cáo không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng… nhưng thu thêm nhiều khoản phí, tiền phạt trái pháp luật để lách số tiền lãi vượt ngưỡng theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến "tín dụng đen" rất khó khăn trong việc phát hiện, thu thập, củng cố chứng cứ, bởi các đối tượng thường cất giấu hợp đồng ở những nơi kín đáo, dễ tiêu hủy, sử dụng mạng xã hội để chốt hợp đồng.

Hơn nữa, các đối tượng còn sử dụng nhiều chiêu trò "lách luật" như: thu tiền gốc trước, nếu người vay trả hết gốc thì chuyển lãi thành gốc nên khi bị phát hiện không thể kết luận các đối tượng thu lời từ lãi; hoặc sử dụng thủ đoạn trong lập hợp đồng vay: không thể hiện lãi suất, thế chấp bằng giấy tờ tùy thân; lợi dụng công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng điện thoại để cho vay…

Ngân hàng thôi chưa đủ…

Trước những vấn đề này, tại hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhiều kiến nghị để tăng hiệu quả cho công tác kiềm chế tín dụng đen. Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Cấn Văn Lực, các kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy cần 3 nhóm giải pháp chính để ngăn chặn tín dụng đen: các giải pháp về quy định pháp lý và quản lý; các giải pháp về nâng cao kiến thức tài chính và các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn thông qua các hoạt động tài chính chính thức.

Cụ thể là phải tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính – ngân hàng; triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen…

Còn theo đại diện từ phía NHNN, ngành Ngân hàng đã rất tích cực, nỗ lực trong việc cung ứng vốn vay, đẩy mạnh kênh cung ứng tín dụng chính thức. Tuy nhiên, để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ kết nối thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các ngành, lĩnh vực của Bộ Công An, tạo thành cơ sở để tổ chức tín dụng có đầy đủ thông tin, rút ngắn được quy trình thẩm định, giải ngân cho vay.

 Theo TCHQ