Việc sáp nhập hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình không chỉ là quyết định hành chính đơn thuần, mà là bước ngoặt lịch sử mở ra cơ hội định hình một không gian phát triển mới ở Bắc Trung Bộ – nơi quá khứ hào hùng hội tụ với hiện tại đổi mới và khát vọng vươn lên mãnh liệt.
Từng là tỉnh Bình Trị Thiên sau năm 1975, cũng là hai đầu cầu bên vĩ tuyến 17 trong kháng chiến chống Mỹ – Quảng Trị và Quảng Bình chia sẻ nhiều điểm tương đồng về địa lý, văn hóa và tinh thần cộng đồng. Việc tái hợp hôm nay không đơn thuần là “gộp tỉnh”, mà là sự trở lại tự nhiên của một chỉnh thể từng hiện hữu, nay được tái thiết với tầm vóc mới, tư duy mới.
Với dân số xấp xỉ 1,9 triệu người và diện tích hơn 12.700 km², tỉnh mới sở hữu vị trí chiến lược trên trục hành lang kinh tế Đông – Tây, tiếp giáp Lào, có đường bờ biển dài, tài nguyên rừng - biển phong phú và kết cấu hạ tầng đang từng bước hoàn thiện: cao tốc Bắc – Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ ven biển, sân bay Đồng Hới, cảng nước sâu Mỹ Thủy, Hòn La…
![]() |
Kỳ vọng về những cơ hội mới sau khi hợp nhất Quảng Trị và Quảng Bình |
Đây là điều kiện lý tưởng để định hình các chuỗi liên kết vùng, vùng sản xuất tập trung, khu kinh tế ven biển, trung tâm logistics hiện đại và không gian đô thị phát triển theo trục Bắc – Nam. Việc quy hoạch sẽ không còn vướng ranh giới hành chính, cho phép phân bổ lại nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Cơ hội quy hoạch đồng bộ – phát triển đột phá
Sau hợp nhất, địa phương mới có thể triển khai chiến lược phát triển tổng thể theo cụm ngành: Công nghiệp – dịch vụ – nông nghiệp – du lịch, gắn kết theo chuỗi thay vì chia cắt hành chính. Từ Hòn La đến Mỹ Thủy, từ Phong Nha – Kẻ Bàng đến Cửa Việt, Cồn Cỏ... sẽ hình thành trục hành lang biển phát triển kinh tế toàn diện.
Các vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ có thể được quy hoạch thống nhất theo sinh thái, đẩy mạnh giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu vùng. Du lịch văn hóa, sinh thái, lịch sử, nghỉ dưỡng được kết nối thành hệ sinh thái hoàn chỉnh, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Đồng thời, bộ máy hành chính mới – tinh gọn, chuyên sâu – sẽ là tiền đề để hiện đại hóa công tác quản trị, triển khai đồng bộ chính quyền điện tử, cải cách thủ tục, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong các lĩnh vực thiết yếu như giáo dục, y tế, chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực.
Không gian sống tốt hơn – môi trường đầu tư minh bạch hơn
Vùng đất “gió Lào, cát trắng” năm xưa đang từng bước trở thành vùng đất “đáng sống – đáng đầu tư” với hạ tầng hiện đại, xã hội ổn định và môi trường sinh thái an toàn. Các nhà đầu tư có thể an tâm với một chính quyền hành động, minh bạch và định hướng phát triển rõ ràng. Người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, có cơ hội tiếp cận giáo dục, việc làm, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong một không gian phát triển mở.
Về địa chiến lược, tỉnh mới là điểm trung chuyển quan trọng trong chuỗi kết nối Bắc – Nam, Đông – Tây, liên kết hành lang quốc tế EWEC với các quốc gia như Lào, Thái Lan, Myanmar... Vị trí này tạo ra thế mạnh hiếm có để phát triển logistics, thương mại xuyên biên giới, kinh tế biển và công nghiệp sạch.
Trong bối cảnh cả nước đang thực thi Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, việc hợp nhất Quảng Trị – Quảng Bình là bước đi quan trọng để cụ thể hóa chiến lược phát triển vùng, hướng tới sự hội nhập, liên kết và phát triển bền vững.