Sự hợp nhất Quảng Trị – Quảng Bình không chỉ tái cấu trúc địa giới hành chính mà còn kiến tạo nền tảng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, năng động và hội nhập. Cộng đồng DN đang sẵn sàng đóng vai trò tiên phong trong quá trình đó.
![]() |
Dự án Cảng nước sâu Mỹ Thủy (Quảng Trị) với tổng vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng đang trong quá trình thi công |
Những trụ cột kinh tế trọng điểm
Ngay sau khi Hội DN tỉnh Quảng Bình và Hiệp hội DN tỉnh Quảng Trị thống nhất sáp nhập thành một tổ chức chung, Ban Thường trực hội mới đã xác định 5 lĩnh vực mũi nhọn để tập trung nguồn lực hỗ trợ và phát triển DN.
Thứ nhất, dịch vụ – du lịch và kinh tế văn hóa – di sản, với lợi thế của Phong Nha – Kẻ Bàng, Nhật Lệ (Quảng Bình) và Cửa Việt, Cồn Cỏ, đường Hồ Chí Minh huyền thoại (Quảng Trị), DN được định hướng hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết, phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng và tăng cường kết nối DN dịch vụ, lưu trú.
Thứ hai, nông nghiệp công nghệ cao và chế biến sâu: Khai thác lợi thế đất đai và khí hậu, hội sẽ đồng hành cùng DN chuyển đổi mô hình sản xuất, xây dựng thương hiệu nông sản vùng và mở rộng thị trường qua kênh thương mại điện tử, xuất khẩu.
Thứ ba, công nghiệp sạch và năng lượng tái tạo: Quảng Trị đang phát triển mạnh điện gió, điện mặt trời; Quảng Bình triển khai các dự án LNG và sinh khối. Hiệp hội hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng bền vững, thân thiện môi trường.
Thứ tư, logistics và kinh tế cửa khẩu, tận dụng hành lang kinh tế Đông – Tây, các cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Cha Lo và cảng biển Hòn La – Mỹ Thủy, DN được khuyến khích đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, vận tải, xuất nhập khẩu.
Cuối cùng, chuyển đổi số và khởi nghiệp sáng tạo, đây là lĩnh vực nền tảng tạo lợi thế cạnh tranh dài hạn. Hội DN sẽ hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ ứng dụng công nghệ vào quản trị, bán hàng, sản xuất và kết nối đầu tư khởi nghiệp.
Liên kết nội vùng – Hình thành hệ sinh thái kinh doanh đa ngành
Theo Chủ tịch Hội DN tỉnh Quảng Bình (cũ) - ông Lê Xuân Tế, một trong những mục tiêu trọng tâm sau hợp nhất là thúc đẩy liên kết nội vùng giữa cộng đồng DN hai tỉnh. Các chương trình kết nối đầu tư, diễn đàn DN liên tỉnh theo từng lĩnh vực thế mạnh và nền tảng thông tin chung sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư.
Cùng với đó là các sáng kiến như: Xây dựng quỹ hỗ trợ DN nhỏ, tổ chức chương trình khởi nghiệp sáng tạo liên vùng, đào tạo kỹ năng chuyển đổi số và quản trị thích ứng thị trường. Hội DN cũng đặt mục tiêu trở thành cầu nối hiệu quả giữa DN địa phương với các nhà đầu tư lớn, tổ chức tín dụng và cơ quan chính quyền trong xây dựng chính sách phát triển bền vững.
Tận dụng lợi thế để sẵn sàng vượt qua thách thức
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị - ông Phạm Trường Sơn nhận định, việc hợp nhất không chỉ giúp mở rộng quy mô thị trường, nâng cao hiệu quả hạ tầng giao thông và logistics, mà còn tạo ra môi trường thuận lợi để DN liên doanh, chia sẻ nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Lê Xuân Tế cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình hợp nhất sẽ đối diện với những khác biệt về mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, đặc thù kinh tế - xã hội và tâm lý hội viên. Để vượt qua những rào cản này, hai hội đã thống nhất kế hoạch hành động chung, từng bước điều chỉnh cơ cấu tổ chức, khảo sát lại nhu cầu thực tế DN và thiết kế các chương trình hỗ trợ sát với đặc thù địa phương.
Hiệp hội mới sẽ tăng cường vai trò đại diện – phản biện chính sách, xây dựng cơ chế phản hồi nhanh giữa DN và cơ quan quản lý, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nội bộ để tạo niềm tin và sự gắn kết trong cộng đồng DN liên tỉnh.