Cuộc chiến sinh, tử trên sông Luồng

00:00 12/10/2020

Con sông Luồng chảy qua huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá vốn trong xanh, hiền hoà là vậy nhưng khi mùa lũ về nó lại trở nên hung dữ hơn bao giờ hết. Trong cơn bão số 3, người dân ven sông cũng như khắp mọi nơi “nín thở” chứng kiến và dõi theo cuộc chiến đấu sinh tồn của một nạn nhân và một ân nhân giữa dòng sông. Họ là những người hùng, kiên cường dũng cảm trên sông nước, chiến đấu với mưa lũ để giành giật sự sống từ lưỡi hái của tử thần. Đến chiều 4/8 nước sông Luồng vẫn cuồn cuộn, gầm gào trôi phía về hạ lưu nên công việc cứu trợ bản làng đang bị cô lập gặp vô vàn khó khăn.

Cuộc chiến trên sông Luồng

Trong cơn lũ dữ Ông Lương Văn Chon (52 tuổi) trú lại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá may mắn trở về nhờ sự giúp đỡ của em Phạm Bá Huy, xã Sơn Điện khiến ai nấy cảm phục. Câu chuyện này sẽ mãi được nhắc đến bởi sự kiên cường trong đấu tranh sinh tồn của nạn nhân, cũng như sự dũng cảm, anh  hùng, bất chấp hiểm nguy để cứu người của chàng trai trẻ.

Em Phạm Bá Huy kể lại giây phút sinh, tử trên dòng sông Luồng

Đang ở xưởng đũa làm việc em Phạm Bá Huy cũng như bao người dân bên dòng sông Luồng đổ về khúc sông ông Chon đang đu trên ngọn cây, chiến đấu với dòng lũ dữ. Trước sự việc này, các lực lượng chức năng cùng người dân nơi đây đang tìm mọi cách để cứu ông Chon. Hình ảnh người đàn ông bao nhiêu giờ đồng hồ đu cây, gật gà gật gù giữa dòng sông chảy siết khiến em Huy quyết định lao ra dòng lũ, tiến tới chỗ người đang gặp nạn với suy nghĩ cứu người là trên hết. Em kể lại: 

“Lúc đó, nước chảy siết lắm, nên mọi người thống nhất tháo một đầu cáp của hai cột điện bắc từ bên này qua bên kia sông, để hạ xuống cho em đu dây ra giữa dòng cứu ông Chon. Ở trên bờ bên này, mọi người cùng xúm lại dùng sức kéo căng dây cáp, để em mang can nhựa, áo phao và đu dây ra giữa dòng. Khi tiếp cận được ông Chon thì gần như ông ấy đã kiệt hết sức, người lạnh cóng, chân tay bủn rủn, thân hình đầy những vết trầy xước. Lúc đó em bảo ông hãy vào bờ trước con sẽ vào sau, đừng lo cho con. Em  mặc áo phao, đeo can và buộc dây vào người cho ông xong, thì mọi người bắt đầu hò nhau kéo thật nhanh dây thừng được níu vào dây cáp đưa ông vào bờ”.

Khi đưa được ông Chọn vào bờ, mọi người trên bờ chuyển dây cáp cho em thì khổ thay dây cáp lại bị đứt dọc đường. Lúc này em Huy đang là ân nhân cứu ông Chon  lại trở thành nạn nhân trong trận chiến sinh tồn. Em tiếp tục đu lấy cành cây để chờ cứu hộ suốt mấy tiếng đồng hồ.

Bờ sông Luồng, nơi ông Chon gặp nạn bị sạt lở nghiêm trọng

Đến khoảng 18 giờ ngày 3.8, nước mỗi ngày một dâng cao, mưa càng to hơn, trời tối lại, sức người cũng yếu dần, trong lúc đó Huy đã từng nghĩ đến điều xấu nhất có thể đến với mình. Nhìn nước sông cuộn chảy, nghĩ đến đứa con thơ dại và gia đình, em lại liều mình lần thứ 2 vượt qua dòng nước lũ. 

 Em quyết định bơi về phía dòng nước bên kia sông. Bước lên bờ em vui sướng và mãn nguyện vô cùng vì vừa cứu được ông Chon và mình cũng thoát qua cơn nguy hiểm. Buổi tối hôm đó, em Huy trú ngụ trong cái chòi của nhà dân ven sông làm nương rẫy chờ đến sáng mai em men theo dòng sông về nhà mình.

Tìm gặp ông Chon trong bệnh viện đa khoa huyện Quan Sơn, chúng tôi cũng được ông kể lại giây phút thập tử nhất sinh ấy. 

“Khoảng 5h sáng ngày 3.8 trời mưa to và nước sông, suối đều lên cao, tôi cũng như nhiều hộ dân quanh đấy vội vàng chạy đồ đạc, gạo thóc lên chỗ an toàn hơn. Sau đó, trận lũ rút nhanh người dân đã đi lại bình thường. Nhưng khoảng hơn 7 giờ, một cơn lũ mới lại ào về lần nữa với tầng tầng, lớp lớp những cây cổ thụ từ thượng nguồn lao xuống khiến chúng tôi không kịp trở tay. Lũ tràn qua nhanh lắm, phút chốc đã ngập ngang thắt lưng tôi. Lúc này, vợ tôi đứng gần đó nhảy lên bám vào thành nhà vệ sinh. Rồi lũ tiếp tục tấn công, ngập tới cổ tôi. Tôi cố đưa tay để cứu vợ mà không sao với tới. Nhưng may mắn bà ấy trèo được lên nóc nhà vệ sinh, lúc đó mà chúng tôi với được tay nhau chắc nhà tôi chết rồi”- ông Chon bàng hoàng kể lại.

Nạn nhân Lương Văn Chon, sau khi thoát chết trở về, đang được điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn

 Lúc này người đàn ông tiếp tục ngoi lên để thở và trôi nhanh ra phía dòng sông Luồng. Ông Chon vớ được tấm đệm nên trườn người lên trên nằm thở. Song chỉ sau đó vài phút, một cơn sóng lớn cuốn ông cùng tấm đệm lăn lóc như muốn nhấn chìm xuống đáy sông.

“Tôi cố gắng chống chọi với nước lũ và túm được một bụi cây ở giữa dòng, leo lên trên bụi luồng và túm lấy cây soan. Cứ như vậy tôi đu người trên dòng sông nhiều giờ đồng hồ, tôi xác định chỉ có chết vì nước lũ to quá cộng với đói và rét. Trời càng mưa to, nước sông Luồng mỗi lúc một dâng cao, phải tới khoảng 3 giờ chiều, từ việc hỗ trợ của lực lượng chức năng, một thanh niên xã Sơn Điện đã ra cứu tôi. Nếu chậm thêm nữa chắc tôi không còn đủ khả năng đứng vững giữa dòng lũ hung hãn này”. Sau khi được đưa vào bờ, ngay lập tức các y, bác sĩ ứng cứu, đưa ông Chon tới cơ sở y tế để hồi phục sức khỏe.

Như vậy, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, bản Sa Ná trở nên hoang tàn đến khủng khiếp. Hàng chục ngôi nhà bị san phẳng chỉ còn lại bãi bùn lầy hoặc những bãi đá trơ trọi. Giờ đây nhiều người dân nơi bản làng vùng lũ tràn qua lại  trở về vạch xuất phát ban đầu với biết bao nhiêu sự khó khăn, vất vả.

Tập trung đẩy mạnh công tác cứu trợ

Hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn huyện Quan Sơn vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn do bản Sa Ná còn bị cô lập trong cảnh hoang tàn, đổ nát. Vào sáng 4.8 lực lượng cứu hộ vẫn đang phải vận chuyển từng thùng mì tôm bằng mô tô nước đưa vào tiếp tế cho dân. Cũng trong ngày, ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác tiếp cận được bản Sa Ná để động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn với những hộ bị mất toàn bộ tài sản. Ông Vũ Văn Đạt cho biết: Chiều cùng ngày, đích thân ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cũng đã trực tiếp vào bản Sa Ná để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bà con.

Chủ tịch UBND xã Na Mèo, ông Phạm Văn Tiệu cho biết thêm: Hiện nay chính quyền địa phương đang phối hợp với các xã lân cận, các huyện liên quan để tiếp tục tìm kiếm những người mất tích, chưa có liên lạc gì khả quan. Bên cạnh đó, sáng cùng ngày, lực lượng chức năng cũng đã nỗ lực đưa cháu Nguyễn Minh Lâm (SN 2004) gặp nạn trong trận lũ về bệnh viện tuyến huyện điều trị. Tới tối ngày 4/8, sức khoẻ của cháu Lâm đang dần hồi phục.

Công tác cứu trợ  vào nơi bị cô lập đang được tập trung đẩy mạnh

UBND huyện Quan Sơn cũng đã phân công 17 tổ công tác cùng với lực lượng cứu hộ trực tiếp vận chuyển phân phối các mặt hàng nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng của mưa, lũ. Cụ thể, huyện này đã cấp hỗ trợ 2.860 thùng mì tôm, 39 thùng lương khô, 519 thùng nước uống tới những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Huyện đã tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình bị thiệt hại, hỗ trợ cho 5 trường hợp được giải cứu an toàn, thăm hỏi chia buồn gia đình có người bị chết... Công tác khắc phục thiệt hại sau khi trận lũ đi qua đang được các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ.

Hiền Minh