“Cú huých” pháp luật về sở hữu trí tuệ để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài

14:34 17/05/2023

Theo ông Trần Mạnh Hùng - Luật sư điều hành đồng thời là Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ tương đối đầy đủ, toàn diện.

Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này.

Năm 2019, Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1068/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Những năm gần đây, Việt Nam ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam cũng phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS - năm 2017), gia nhập Thỏa ước La hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (năm 2019) và Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh phục vụ đăng ký sáng chế (năm 2021).

Ảnh minh họa
 “Cú huých” pháp luật về sở hữu trí tuệ góp phần tạo cạnh tranh để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh minh họa.

Việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ là nhân tố quan trọng để Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Cũng theo ông Hùng, trước yêu cầu của bối cảnh mới, khi các tiêu chuẩn về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được nâng cao, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam cần được hoàn thiện trên tinh thần đáp ứng đầy đủ và hiệu quả các tiêu chuẩn, tương thích với các chuẩn mực quốc tế.

Ngày 16/6/2022, Quốc hội thông qua và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, luật này đã đưa ra những quy định rõ ràng và cụ thể hơn về các nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, âm thanh; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm.

Cùng với đó là quy định cơ chế đến bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu tác giả, người biểu diễn), tạo thuận lợi cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả quyền liên quan.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.

Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng đề nghi ngờ hàng hóa xuất nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ bên cạnh các nội dung quan trọng khác.

“Đây được coi là lần sửa đổi, bổ sung lớn nhất, đồ sộ nhất của Luật Sở hữu trí tuệ và bao quát nhiều vấn đề từ trước đến nay theo hướng quy định rõ ràng, chi tiết hơn và được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi tích cực hơn nữa, tạo “cú huých” gia tăng năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài”, ông Hùng nhận định.

H.Anh