Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng tốt trong nhiều năm qua. Từ năm 2019 trở về trước, thị trường luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. Vào năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng doanh số của ngành này vẫn đạt hơn 172 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 11 tỉ đô so với năm trước đó .
Đến năm 2021, dù nhiều địa phương thắt chặt giãn cách xã hội trong thời gian dài để ngăn dịch nhưng doanh thu ngành bán lẻ vẫn đạt 173 tỉ đô la Mỹ, tăng 0,2% so với năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng vừa qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.679.230 tỉ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm bán lẻ hàng hóa đạt mức tăng trưởng tốt, tăng 15,4%. Thị trường tăng trưởng tốt làm cho nhiều doanh nghiệp quyết định tham gia và tiếp tục tìm cơ hội mở rộng tại nhiều tỉnh, thành.
Về tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư mới thu hút đạt trên 12,1 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với số vốn đầu tư trên 3,5 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ, bán buôn và bán lẻ với vốn đăng ký đạt lần lượt 676,9 triệu USD và 617,9 triệu USD.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhưng trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm trước những diễn biến gần đây của thế giới như căng thẳng Nga-Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát leo cao... thì dòng vốn FDI mới chảy vào các quốc gia Đông Nam Á sẽ có những tác động nhất định. Nhà đầu tư trở nên dè dặt và cẩn trọng hơn với các quyết định đầu tư mới.
Ngọc Phi (tổng hợp)