Nhà đầu tư nước ngoài nên chọn lĩnh vực mà Việt Nam đang hướng đến

15:13 15/05/2023

TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài cho rằng, dưới sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, liên quan đến công nghệ, môi trường, năng lượng, các nhà đầu tư nên lựa chọn hướng đầu tư phù hợp nhất hiện nay Việt Nam đang hướng đến.

Ảnh minh họa

Những con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn

Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam vừa trải qua một hành trình dài 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài và đang bước vào giai đoạn hợp tác đầu tư nước ngoài mới với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của dòng vốn đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu và đạt nhiều thành tựu quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến cuối tháng 4/2023, Việt Nam đã thu hút được gần 446 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, gần 280 tỷ USD đã được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia với công nghệ hiện đại đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam, với chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng.

Với việc tham gia 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới, khơi dậy tinh thần sáng tạo, cộng hưởng sức mạnh nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời nắm bắt cơ hội cũng như phát huy ngoại lực, nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư, tạo động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.

4 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 8,9 tỷ USD, chỉ còn giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước, thay vì giảm tới 38,8% sau 3 tháng. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng tăng 70,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng dự án đăng ký mới cũng tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả các nhà đầu tư Mỹ, châu Âu, hay Nhật Bản, Hàn Quốc đã bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế, vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.

“Kết quả vốn đầu tư nước ngoài theo công bố của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tỷ lệ vốn thực hiện của chúng ta trong những năm gần đây đã tăng lên. Trước đây, bình quân thường khoảng trên 50%, hiện đã lên trên 62%. Đó là dấu hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp Việt cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tích cực thực hiện cam kết của mình”, ông Thắng nói.

Nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài tin rằng, các doanh nghiệp luôn có trách nhiệm không chỉ với hoạt động đầu tư kinh doanh của mình mà còn đối với xã hội. Doanh nghiệp sẽ có bước đi phù hợp trong xu hướng hiện nay là tất cả mọi người, mọi thành viên từ doanh nghiệp cho đến cá nhân, các cơ quan quản lý Nhà nước đều hướng tới việc tăng cường năng lực, tiết kiệm sản xuất chi phí cũng như có các giải pháp phù hợp nhất để đối phó với tình hình biến động hết sức thất thường liên quan đến lạm phát, giá cả, năng lượng, nhất là ảnh hưởng từ tình hình chính trị thế giới.

“Tôi hoàn toàn tin tưởng với con số thành công của kết quả hoạt động đầu tư nước ngoài (chiếm trên 62%). Đây là con số ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Các dự án nhỏ phải phải thực hiện từ 4-5 năm, các dự án lớn phải mất cả chục năm mới xong, bởi vậy, tỷ lệ phần trăm này là cao”, ông Thắng bày tỏ.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp nước ngoài còn rất thấp

Ảnh minh họa
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài.

Qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, theo ông Thắng, điều đáng tiếc được đề cập khi tổng kết hoạt động đầu tư nước ngoài là: liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài còn rất thấp.

Nhu cầu đầu tư về năng lực sản xuất và cung cấp nguồn nhiên liệu đầu vào của các doanh nghiệp nước ngoài là rất lớn nhưng khả năng cung cấp và năng lực về tài chính, nguồn năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu bởi số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa quá nhiều. Trong khi, các doanh nghiệp Nhà nước thì có những dự án và nhiệm vụ được giao khác. Chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu liên kết của doanh nghiệp nước ngoài.

“Mong muốn của chúng ta trong giai đoạn tới là tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ có tăng cường điều này thì lúc đó doanh nghiệp Việt mới tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu và năng lực của các doanh nghiệp Việt mới tăng lên. Từ đó, mới có khả năng tham gia sản xuất các sản phẩm mới, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện mục tiêu thu hút được đầu tư nước ngoài và xây dựng được nền kinh tế tự chủ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Cần sự hợp tác toàn diện và chân thành

Theo ông Thắng, doanh nghiệp Việt phải cố găng vươn lên về năng lực sản xuất, về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm hợp tác quốc tế để liên kết chặt chẽ hơn với doanh nghiêp nước ngoài. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội trong quá trình phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân.

Ngược lại, các doanh nghiệp nước ngoài cũng cần cam kết sát cánh cùng với doanh nghiệp Việt. Đồng thời, các nhà đầu tư nên lựa chọn hướng đầu tư phù hợp nhất hiện nay mà Việt Nam đang hướng đến cũng như xu hướng đầu tư của thế giới, dưới sức ép của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (sức ép về công nghệ, môi trường, năng lượng…).

“Việt Nam mong muốn tiếp nhận được các dự án đầu tư như vậy và Việt Nam đang cần các dự án đầu tư lớn có tác động lan tỏa để phát triển đến các lĩnh vực mà Việt Nam cần. Ví dụ như công nghệ cao, đầu tư xanh, đầu tư sạch, bảo vệ môi trường và không thể không có yếu tố là bảo đảm an ninh quốc phòng”, ông Thắng nói.

Đánh giá về hoạt động của tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh như Sam sung đang tích cực đầu tư vào Việt Nam, ông Thắng cho rằng, đây là điều rất đáng mừng.

Trong những năm vừa qua, Sam sung đã mở rộng và phát triển tại Thái Nguyên, Bắc Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Các cơ sở của Sam sung đã đóng góp rất nhiều cho Việt Nam về tỷ lệ xuất nhập khẩu, ngân sách Nhà nước cũng như nguồn lao động.

Nhưng trong bối cảnh quốc tế phức tạp, khó lường với nhiều sự chuyển đổi nhanh hiện nay, Sam sung là một tập đoàn toàn cầu, sản phẩm của họ cung cấp cho toàn bộ thị trường trên thế giới cũng như tiếp nhận các nguồn cung cấp đầu vào từ nhiều nước nên Sam sung vẫn đang tìm kiếm các địa điểm đầu tư khác ngoài Việt Nam để giảm thiểu chi phí, cung cấp các sản phẩm tốt nhất cho thị trường bên ngoài.

Chúng ta mong muốn hợp tác với Sam sung để duy trì và phát triển sự có mặt của tập đoàn này tại Việt Nam. Việt Nam hỗ trợ cũng như nhắc nhở họ thực hiện các cam kết ở Việt Nam, trong đó có sự hỗ trợ doanh nghiệp Việt vì họ rất rõ các doanh nghiệp Việt còn rất nhỏ, năng lực và tài chính còn yếu.

“Sam sung hãy dành một phần lợi nhuận thu được tại Việt Nam quay trở lại hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng. Qua đó, các doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của Sam sung, giúp Việt Nam dần dần nắm được công nghệ cần thiết để tham gia vào chuỗi sản xuất đó. Điều này mới thực sự là hợp tác toàn diện, chân thành giữa Sam sung với các doanh nghiệp Việt”, ông Thắng khuyến nghị.

Hoài Anh