Chuyện về “Ngày vía Thần Tài”

07:06 18/02/2021

Trong tín ngưỡng dân gian, Thần Tài là vị thần mang đến của cải, sự giàu có, sung túc. Chúng ta thường bắt gặp hình ảnh Thần Tài được thờ phụng ở các gia đình, các cửa hàng cửa hiệu dù lớn hay bé đều xuất hiện bàn thờ Thần Tài hướng nhìn ra cửa...

Ở nước ta, tục thờ Thần Tài xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20 được du nhập theo các thương nhân người Hoa và rộ lên từ đầu thế kỷ 21.

Tín ngưỡng dân gian cho rằng Thần Tài là vị thần mang lại sự giàu có, sung túc

Tín ngưỡng dân gian cho rằng Thần Tài là vị thần mang lại sự giàu có, sung túc.

Đặc biệt, mỗi dịp đầu xuân, chúng ta lại chứng kiến cảnh người người chen vai thích cánh mua vàng tại các của hàng kim hoàn trong "Ngày vía Thần Tài". Khởi đầu năm mới, Doanhnghiephoinhap.vn giới thiệu tới quý độc giả những câu chuyện thú vị về “Ngày vía Thần Tài” cùng với lời chúc an khang thịnh vượng, tài lộc đong đầy!

Những người buôn bán, kinh doanh thường cúng Thần Tài vào mùng 10 Âm lịch hàng tháng. Thế nhưng, với quan niệm vạn sự khởi đầu năm tốt đẹp thì sẽ hanh thông may mắn cả năm, ngày mùng 10 tháng Giêng được xem là  “Ngày vía Thần Tài” quan trọng nhất trong năm.

Chuyện Thần Tài hạ thế

Dân gian tương truyền rằng, Thần Tài là vị thần sống ở trên trời, chuyên trông coi chuyện tiền bạc, tài lộc và là vị thần luôn mang lại sự giàu có.

Trong một lần rượu say quá, Thần Tài lạc lối xuống trần gian, nằm mê mệt lại bị va đầu vào đá chẳng còn biết gì. Người dân thấy thế liền lột sạch hết áo mũ cân đai của Thần Tài và đem đi bán.

Vị thần Tài tỉnh rượu, áo mũ chẳng còn trên người và do bị va đầu vào đá nên quên luôn mình là ai. Từ đó lang thang xin ăn khắp nơi. Một ngày nọ, Thần Tài gặp nhà kia buôn bán vịt quay, heo quay. Đang lúc ế ẩm, thấy Thần Tài đến xin ăn chủ nhà mời vào nhà, rộng tay thết đãi.

Điều kỳ lạ lúc này là từ khi Thần Tài vào quán, không biết từ đâu khách kéo đến nườm nượp, tranh mua tranh ăn tấp nập. Chủ quán lấy làm thích lắm nên ngày nào cũng mời Thần Tài vào ăn.

Một thời gian sau, chủ quán thấy ngày càng đắt khách, chợt nghĩ về kẻ ăn xin và cho là vô dụng, chẳng làm gì mà suốt ngày lại được ăn uống đồ ăn ngon, lại toàn dùng tay ăn bốc, người thì bốc mùi, lại hay thích lang thang không tắm giặt.

Lo lắng người này sẽ làm khách sợ không dám đến ăn nữa và lại thấy hao phí đồ ăn cho một người ăn mày vô dụng, lão chủ quán liền đuổi ông đi.

Quán đối diện ngày xưa rất đông khách nay vắng hoe, thấy lão ăn mày bị chủ quán bên kia đuổi thì liền mời vào quán mình, cũng thết đãi rộng tay lắm. Và sự kỳ diệu lại diễn ra, quán đang vắng vẻ bỗng trở nên đông đúc, khách ùn ùn kéo đến.

Tiếng lành đồn xa, nhiều ông chủ bà chủ quanh vùng đua nhau tìm mời Thần Tài về, lại đưa đi mua quần áo mới để mặc. Ngờ đâu, Thần Tài mua lại đúng những mũ áo cân đai khi trước, bất chợt nhớ ra mình là ai nên vội vã... bay về trời, nhằm đúng ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch.

Cũng từ đó, cứ hàng năm, hàng tháng nhà nhà mọi người điều lấy ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch làm “Ngày vía Thần Tài”.

Sự tích Âu Minh - Như Nguyện

Lại có tích kể rằng, có một người lái buôn Trung Hoa tên là Âu Minh. Một ngày nọ, Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo tình cờ gặp Thủy Thần, được Thủy Thần cho một nữ gia nhân tên là Như Nguyện.

Âu Minh quý lắm, đem Như Nguyện về nuôi ở trong nhà, từ đó công việc làm ăn của Âu Minh mỗi ngày một phát đạt. Buôn may bán đắt, tiền của cứ theo đó mà về đầy hòm đầy rương.

Ngày Tết nọ, chỉ vì chút cáu giận, Âu Minh không kìm được nóng này mà giang tay đánh Như Nguyện. Như Nguyện quá sợ hãi bèn chui vào đống rác và biến mất. Ngờ đâu từ đó Âu Minh buôn bán ngày càng thua lỗ, chẳng bao lâu bỗng hóa nghèo xác nghèo xơ.

Bấy giờ, Âu Minh dò hỏi mới giật mình khi biết Như Nguyện là hiện thân của Thần Tài được cử đến giúp mình trở nên giàu có. Bởi chút nóng giận mà nay hối hận cũng đã muộn, Âu Minh lập bàn thờ Như Nguyện, hướng bàn thờ ra cửa mà ngày đêm mong ngóng Như Nguyện quay về. Cũng chính vè lẽ ấy mà bàn thờ Thần Tài thường có hướng quay lưng vào nhà, hướng mặt ra cửa. Tục lệ kiêng quét nhà vứt rác ra đường cũng từ đó mà nên.

Mua vàng Thần Tài coi chừng... vàng mắt

“Ngày vía Thần Tài” đối với rất nhiều người kinh doanh buôn bán có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bởi ngày này không chỉ là ngày cảm ơn Thần Tài đã phù hộ độ trì cho gia chủ trong năm qua, mà nó là ngày mong muốn đổi vía may mắn, vía Thần Tài để cầu mong có thể làm ăn buôn bán thuận hòa, phát tài phát lộc trọn vẹn trong năm mới.

Hình ảnh người dân chen chúc nhau để mua vàng trong
Hình ảnh người dân chen chúc nhau để mua vàng trong "Ngày vía Thần Tài" mỗi dịp đầu xuân.

Nhiều năm trở lại đây, rất đông đảo người tin rằng mua vàng “Ngày vía Thần Tài” sẽ được may mắn, vượng phát cả năm nên họ không tiếc công chen lấn để mua vàng trong ngày 10 tháng Giêng.

Dường như tâm lý cầu may, tâm lý “có thờ có thiêng” đã khiến việc mua vàng trong “Ngày vía Thần Tài” bị thổi phồng quá mức. Dẫu rằng ai cũng biết rằng có chăm chỉ cố gắng, đổ mồ hôi mới có thu nhập cao, sự may mắn chỉ là hên - xui.

Thực tế cho thấy, vào “Ngày vía Thần Tài”, người dân thường đổ xô đi mua vàng cầu may. Thậm chí, không khó để bắt gặp hình ảnh cả đoàn người rồng rắn chen lấn, xếp hàng phía ngoài các cửa hàng vàng từ 3-4h sáng để trở thành người đầu tiên mua được vàng trong ngày này.

Đáng nói là cũng chính trong “Ngày vía Thần Tài” hàng năm, bên cạnh việc cho ra mắt những sản phẩm mới bắt mắt về mẫu mã, chủng loại thì việc giá vàng bị đẩy lên cao chót vót rồi lại đột ngột lao dốc trong ngày vẫn là chuyện thường thấy. Điều này dẫn đến nhiều nhà đầu tư vàng theo kiểu lướt sóng từng bị “vàng mắt” vì lỗ. Người dân cũng chú ý mua vàng tại những địa chỉ uy tín để tránh những thiệt thòi khi mua bán về sau.

“Ngày vía Thần Tài” mùng 10 tháng Giêng năm Tân Sửu 2021 là ngày Chủ Nhật 21/2//2021, điều này có nhiều khả năng khiến lượng người xếp hàng mua vàng sẽ tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, thiết nghĩ mọi người cần suy xét để lựa chọn cho mình giải pháp cầu may phù hợp và an toàn, đừng để may mắn chưa thấy đâu lại phải khăn gói... lên đường đi cách ly.

Bảo Ngân