Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu: Thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động phần lớn bởi việc Fed tăng lãi suất

23:55 29/06/2022

Nói về chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ, trong đó có chính sách lãi suất, TS Hiếu cho biết, cách đây 2 tuần, Federal Reserve Bank of the US (Fed) đã tăng lãi suất Fed Funds thêm 0,75%, và do đó tăng lãi suất Fed Funds lên mức 1,5-1,75%.

Ảnh minh họa
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

Nhiều dự báo cho thấy, Fed sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ ít nhất trong năm nay và tới năm 2023. Rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1,9% từ nay đến cuối năm, do đó lãi suất có thể tăng lên đến 3,4% vào cuối năm nay và có thể lên tăng đến 3,8% vào năm 2023. Lãi suất có thể chỉ giảm vào năm 2024. 

Ông Hiếu cho rằng, lý do khiến Fed tăng lãi suất chủ yếu là để kềm chế lạm phát. Tỷ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ 2021, đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm qua. Tỷ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm nay. 

“Cách đây 1 năm, để mua thực phẩm đủ cả gia đình tôi dùng trong 1 tuần chỉ cần 100 đô la nhưng hiện giờ phải trả hơn 150 đô la mới đủ. Cứ đà này, đến cuối năm nay, rổ thực phẩm đủ cho 1 tuần sẽ phải trả đến 170 đô la. Đấy là chưa kể đến đổ xăng mỗi tuần, trong khi đó giá xăng tăng chóng mặt: từ khoảng 4 đô cách đây 1 năm, nay lên đến 6,5 đô/gallon (khoảng 4 lít xăng). Như vậy, giá xăng đã tăng 60%. Tính ra tiền Việt Nam, giá 1 lít xăng ở California hiện nay khoảng 37.000 đồng, vẫn cao hơn giá xăng ở Việt Nam, trong khi đó, giá xăng tại đây thuộc nhóm rẻ nhất trên thế giới”, ông Hiếu chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng cho biết, quan điểm của Fed cho rằng việc tăng lãi suất cùng với việc thu hẹp chính sách nới lỏng định lượng (quatitative easing), nghĩa là giảm việc mua trái phiếu Chính phủ, sẽ làm giảm cung tiền và từ đó sẽ kiểm soát lạm phát.

Ông Hiếu phân tích, các nhà kinh tế ở Mỹ không phủ nhận điều này, nhưng họ lo ngại những tác  dụng tiêu cực của việc tăng lãi suất. Đó là: Lãi suất Fed Funds là một loại lãi suất tham chiếu (Reference Rate) nhưng tác động trực tiếp đến tất cả các loại lãi suất như lãi suất vay doanh nghiệp, lãi suất LIBOR trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay mua nhà, mua xe, thẻ tín dụng, và đặc biệt làm tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Lãi suất tăng sẽ làm suy yếu vay tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, thị trường xe ô tô, thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng, tăng lãi suất chưa chắc đã kiểm soát được lạm phát, vì lạm phát bị tác động bởi nhiều yếu tố từ bên ngoài bao gồm cuộc chiến tranh tại Ukraine tạo ra cuộc khủng hoảng năng lượng, thực phẩm và làm gián đoạn nhiều giao dịch tài chính quốc tế, rồi giá dầu tăng cao do OPEC hạn chế sản xuất dầu hoả, và chuỗi cung ứng hàng hoá vẫn chưa được hồi phục vì những biện pháp chống dịch của Trung Quốc.

Nhiều kinh tế gia dự báo Mỹ sẽ đi vào suy thoái, hay ít nhất là một cuộc "hạ cánh mềm" (soft landing) trong vòng năm nay. Trong trường hợp tệ nhất là một tình trạng "kinh tế vừa lạm phát, vừa trì trệ".

Ông Hiếu nhấn mạnh, có thể nói, hiện kinh tế Mỹ đang đi vào giai đoạn khủng hoảng với lạm phát tăng mạnh và chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed. 

"Vấn đề không còn là liệu Mỹ có đi vào suy thoái hay không, mà câu hỏi đặt ra là chừng nào suy thoái đến, độ sâu của tình trạng suy thoái và thời gian suy thoái kéo dài bao lâu. Một điều chắc chắn là trong ngắn hạn Mỹ không thể đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%, mà trong một kịch bản tốt tỷ lệ lạm phát chỉ có thể được kéo xuống khoảng 6% vào cuối năm nay”, ông Hiếu nói.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đã bị tác động ngay và rất mạnh ngay sau khi Fed tăng lãi suất. VN -Index giảm khoảng 20% từ đầu năm, và xuống mức thấp nhất 1.169 điểm ngày 22/6, một tuần lễ sau khi Fed tăng lãi suất.

Ông Hiếu cho rằng, sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam bị tác động phần lớn bởi việc Fed tăng lãi suất, hơn là vì kinh tế vĩ mô của Việt Nam. 

"TTCK Việt Nam vẫn còn là một thị trường non trẻ, có phần chịu tác động bởi khối ngoại. Khi Fed tăng lãi suất làm các tài sản định nghĩa trên đồng đô la trở nên hấp dẫn hơn và đã thúc đẩy một phần các nhà đầu tư ngoại trên các thị trường rút tiền đầu tư với lợi suất cao hơn và an toàn hơn. Điều này đưa đến việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường. TTCK Việt Nam cũng thường bị ảnh hưởng bởi các xu hướng tại các thị trường lớn. Do đó, khi các thị trường lớn đi vào trạng thái “bearish” (thị trường giảm giá) thì TTCK Việt Nam cũng chạy theo với một độ trễ", ông Hiếu nói.

Nhận định về thị trường chứng khoán hiện nay, ông Hiếu nói: "Tôi cho rằng, có khả năng VNIndex quay ngược dòng và chạm đáy ở mức 1.100 điểm trong 6 tháng cuối năm nay".

Lâm Nghi