Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tại Phú thọ

07:23 31/10/2022

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều mô hình, nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ.

Hồng Gia Thanh được dán tem truy xuất nguồn gốc
Hồng Gia Thanh được dán tem truy xuất nguồn gốc. 

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ, đến nay đã có 50 đơn vị tham gia chương trình chuyển đổi số, trong đó có 35 đơn vị thuộc lĩnh vực trồng trọt, ba đơn vị thuộc lĩnh vực chăn nuôi, năm đơn vị thuộc lĩnh vực thuỷ sản, năm đơn vị thuộc lĩnh vực chế biến thực phẩm. Hầu hết các sản phẩm áp dụng chuyển đổi số là các sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, các nông sản đặc sản, có thế mạnh của tỉnh, có khả năng liên kết, xây dựng chuỗi tiêu thụ nông sản hoặc tiêu thụ qua hình thức thương mại điện tử.

Ông Lê Toàn- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ cho biết: Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Trung tâm Khuyến nông là đầu mối triển khai chuyển đổi số. Hệ thống phần mềm quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc nông sản được xây dựng từ năm 2018, hoạt động thông qua website http://nongsanantoanphutho.vn.

Cũng theo ông Toàn, để thuận tiện trong sử dụng và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của những nhiệm vụ mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và đưa vào sử dụng ứng dụng (app) “Agritech - chuỗi nông nghiệp số” dành cho thiết bị di động (người dùng có thể tải ứng dụng trên CH Play hoặc Appstore, tùy hệ điều hành của điện thoại), hoạt động qua website: http://phutho.idfood.net/ và được triển khai áp dụng cho 50 đơn vị sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.

Đây có thể xem là “bước đi đột phá” mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng sử dụng như người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan quản lý... là sáng tạo của tỉnh và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM. Đến hết 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 122/196 xã đạt chuẩn NTM; 1.459 khu dân cư NTM, trong đó có 21 khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng, là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu để phát huy hiệu quả các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện công cuộc chuyển đổi số, tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng từng bước nâng cấp hệ thống máy tính, hệ thống mạng internet đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định và an toàn giúp cán bộ giải quyết công việc nhanh chóng, hiệu quả.

Ứng dụng phần mềm chuyển đối số tại cơ sở sản xuất Đông trùng Hạ thảo Nam Dương
Ứng dụng phần mềm chuyển đối số tại cơ sở sản xuất Đông trùng Hạ thảo Nam Dương. 

Ông Nguyễn Văn Hân - Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đám cho biết: Nhiều dịch vụ hiện đã được xã cập nhật lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến; các dịch vụ như chữ ký số, thông tin văn bản qua hệ thống Office cũng đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính... 100% văn bản đi, đến được xử lý, luân chuyển theo đúng quy định; 100% hồ sơ và thủ tục hành chính cấp xã được tiếp nhận và giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử theo đúng quy trình. 

"Ngoài ra, để phát triển kinh tế số, UBND xã đang tích cực triển khai hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân tham gia sàn thương mại điện tử; tham gia các nhóm bán hàng trên mạng xã hội zalo, facebook; các sản phẩm OCOP của địa phương đều tham gia áp dụng quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc... Từ đó từng bước thay đổi nhận thức về cách thức bán hàng, xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương... Đồng thời, giúp sản phẩm của địa phương được nhiều người biết đến, tin dùng và có độ nhận diện cao", ông Hân cho biết thêm.

Trong Kế hoạch “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025” của UBND tỉnh nêu rõ: Phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 7/13 đơn vị cấp huyện hoàn thành tiêu chí Thông tin và Truyền thông, gồm có Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, các huyện: Lâm Thao, Thanh Thủy, Thanh Ba, Phù Ninh và Tam Nông. Có 196/196 xã đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong xây dựng NTM; có 26 xã đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông trong xây dựng NTM nâng cao; 5 xã đạt tiêu chí chuyển đổi số trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Xây dựng kế hoạch đầu tư, nâng cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu, mục tiêu và phù hợp với nguồn vốn được bố trí.

Phấn đấu đầu tư, nâng cấp 27 đài xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đáp ứng 80% các khu có hệ thống loa hoạt động. Đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin- truyền thông, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số khu vực nông thôn, đưa hoạt động của người dân lên môi trường mạng, bảo đảm an toàn thông tin, đồng bộ, kết nối liên ngành, liên vùng.

Phú Thọ còn là địa phương ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tăng cường ứng dụng các nền tảng số trong cơ quan Nhà nước, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

P.V