Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức - Bài II: Những điều trăn trở?!

08:30 04/01/2021

Trong bài viết này tác giả không đặt vấn đề toàn diện những điều bất cập trong việc quản lý, điều hành, khai thác chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức mà chỉ nêu một số nội dung nổi cộm; phân tích, bình luận, kiến nghị cơ quan thẩm quyền và ngành chức năng..

 

Bãi đậu xe container 1 năm 2012 được chia thành 30 ô vựa cho thuê, nhưng hiện nay con số đó đã là 54 ô.
Bãi đậu xe container 1 năm 2012 được chia thành 30 ô vựa cho thuê, nhưng hiện nay con số đó đã là 54 ô.
Xem ô vựa được cho thuê trên bãi đậu xe container 1 thì thấy đã có dấu hiệu trái quy hoạch được phê duyệt năm 2003!.
Ô vựa được cho thuê trên bãi đậu xe container 1. 

Trước hết xin đề cập vài nét về quy hoạch, xây dựng, quản lý khai thác. Chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức là chợ dân sinh; công trình thuộc thẩm quyền của UBND quận Thủ Đức; là tài sản Nhà nước giao cho THUDUC AGROMARKET Co.Ltd quản lý. Do đó, khi khai thác mặt bằng kinh doanh trong chợ phải tuân thủ quy hoạch đồ án tỷ lệ 1/2000 đã được UBND TP.Hồ Chí Minh phê duyệt năm 2003. Theo đó, ngoài các lô sạp trong chợ, được ký hợp đồng cho thuê 50 năm thì phần đất xung quanh chợ phải được sử dụng đúng mục đích theo đồ án. Trong lúc đó, thực tế THUDUC AGROMARKET Co.Ltd có dấu hiệu sử dụng chưa đúng mục đích nhiều diên tích trong chợ. Cụ thể, từ bãi đậu xe container 1, đất cây xanh,…  đã biến thành hàng chục ô, vựa, kiosque và điểm kinh doanh cho thuê.

Pháp luật xây dựng quy định rất rõ, Quy hoạch xây dựng phải căn cứ vào đồ án quy hoạch. Các hạng mục công trình được thiết kế theo đồ án phải được sử dụng đúng mục đích. Việc biến bãi đậu xe container thành ô, vựa cho thuê là dấu hiệu của việc sử dụng đất đai sai mục đích.

Việc quy định giá thuê mặt bằng kinh doanh, các loại phí và lệ phí đều được quy định hết sức cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ trong Pháp lệnh Phí và Lệ phí và các quy định khác của pháp luật. Theo đó, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thẩm quyền ban hành giá cụ thể và giao cho UBND thực hiện. Việc thu tiền cho thuê mặt bằng, phí và lệ phí ở chợ được Bộ Tài chính quy định rất rõ ràng và được quản lý bằng chứng từ hóa đơn rất đầy đủ, cụ thể. Toàn bộ số tiền thu được phải nộp 100% vào ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, ở THUDUC AGROMARKET Co.Ltd, theo phản ánh của người dân và điều tra riêng của chúng tôi thì thấy việc thực hiện các quy định còn nhiều bất cập. Doanh nghiệp và hộ kinh doanh hàng năm không được thông báo giá thuê mặt bằng và giá các loại phí theo Nghị quyết của HĐND TP.Hồ Chí Minh mà chỉ được biết qua Hợp đông thuê. Khi thu tiền, cán bộ quản lý chợ chưa thực hiện việc lập các hóa đơn chứng từ được quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ. Theo đó, quy định các loại hóa đơn, tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, nội dung ghi trong hóa đơn… đều đã rất rõ ràng và cụ thể. Tuy nhiên, xem xét việc thực hiện của Ban Quản lý chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức thì chúng tôi thấy còn quá nhiều dấu hiệu bất cập.

Đơn cử các trường hợp thu tiền thuê ô, vựa mặt bằng, dịch vụ của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Vân Phong trong các năm 2017, 2018, 2019, 2020 cho 2 ô số 18 và 19 với số tiền được tăng hàng năm: Năm 2017, 2018 số tiền 18 triệu đồng/ô/tháng; năm 2019 số tiền tăng lên 22 triệu đồng/ô/tháng; năm 2020 số tiền là 25 triệu đồng/ô/tháng; năm 2021 (đã thông báo) là 27,5 triệu đồng/ô/tháng. Sự tăng giá này Ban Quản lý chợ không kèm theo biểu giá quy định của HĐND và thực tế qua tìm hiểu của chúng tôi thì HĐND TP Hồ Chí Minh cũng chưa ban hành quyết định giá và quy định giá và nâng giá mới. Điều đáng nói hơn là số tiền được thu chỉ với một Phiếu thu tiền (chứ không phải hóa đơn) do THUDUC AGROMARKET Co.Ltd phát hành. Khi giao dịch thu nộp, không có chữ ký của người nộp và doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh, không được nhận hóa đơn VAT; bên nhận chỉ có chữ ký của người thu tiền, không ghi rõ họ tên. Số tiền bốc xếp hàng ngày doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải nộp từ 500.000 đồng đến 2 hoặc 3 triệu đồng cho Ban Quản lý, nhưng chỉ được ghi bằng giấy viết tay, mà không được xuất Hóa đơn VAT.

Đơn gía bốc xếp hàng hóa được tăng hàng năm, nhưng THUDUC AGROMARKET Co.Ltd không căn cứ vào cơ sở pháp lý nào được cơ quan thẩm quyền là HĐND thành phố phê duyệt. Đặc biệt năm 2020, do ảnh hưởng của Đại dịch covid 19, Chính phủ đã có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như các hộ kinh doanh nhằm ổn định kinh doanh và đời sống, nhưng THUDUC AGROMARKET Co.Ltd vẫn vô tư tăng các giá dịch vụ. Mới đây nhất, ngày 18/12/2020, khi Nhà nước đang tiếp tục có chính sách hỗ trợ bởi covi-19 thì THUDUC AGROMARKET Co.Ltd lại Thông báo tăng giá "thuê mặt bằng dịch vụ" từ 25 triệu đồng/ô/tháng lên 27,5 triệu đồng/ô/tháng như trên đã nói và giá bốc xếp tăng bình quân trên 6% so với năm 2020 một cách vô tư!.

Thực tế đó nói lên điều gì?. Phải chăng, Ban Quản lý THUDUC AGROMARKET Co.Ltd vô tư vi phạm các quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và thất thu thuế nhà nước. Ngoài ra cũng không thể bỏ qua nhiều hệ lụy nguy hiểm khác (?!).

Các khoản tiền cho thuê mặt bằng, phí và lệ phí thực hiện trong chợ, chúng tôi chưa thể tính toán được, nhưng theo nhiều nhà chuyên môn là rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ trong thời gian gần 20 năm hoạt động. Đây là khoảng tối của THUDUC AGROMARKET Co.Ltd cần được làm rõ vì chính nó là thủ phạm của tham nhũng, lợi ích nhóm và nhiều thói hư tật xấu khác.

Phiếu thu tiền (không có hóa đơn GTGT) có mệnh giá 36, 40, 50 triệu đồng của Ban quản lý THUDUC AGROMARKET Co.Ltd. là trái quy định của Bộ Tài chính.
Phiếu thu tiền (không có hóa đơn GTGT) có mệnh giá 36, 40, 50 triệu đồng của Ban Quản lý THUDUC AGROMARKET Co.Ltd. là trái quy định của Bộ Tài chính.

Một nội dung khác rất đáng trăn trở và lo ngại nhất đó là hàng hóa nông sản nhập khẩu mà nổi lên là hàng hoá xuất xứ từ Trung Quốc. Chúng tôi không đổ lỗi cho Ban Quản lý THUDUC AGROMARKET Co.Ltd, nhưng phải nêu chuỗi các khâu liên quan, để từ đó, kính mong các cấp thẩm quyền, ngành chức năng chung tay xem xét, khắc phục.

Lâu nay chúng ta ai cũng cứ tưởng trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc và nếu không có Trung Quốc tiêu thụ loại hàng hóa này thì Việt Nam… gặp khó khăn?. Theo chúng tôi, đó là một nhận thức chưa đầy đủ. Chúng ta vẫn thường thấy, thi thoảng lại có đợt hàng trăm xe containes trái cây Việt Nam bị dồn ứ tại  cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Vào mùa vụ thanh long, dưa hấu, xoài… ở Việt Nam chín rộ, các thương lái tìm mối vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Lúc đầu họ rất sốt sắng, đặt mua với giá hấp dẫn. Nhưng khi hàng vào thời điểm tập trung lớn thì họ “đóng cửa biên giới”. Vậy là hàng đoàn xe tải, xe container chở trái cây Việt Nam lại phải nằm la liệt bên đường sát cửa khẩu. Trái cây hư hỏng phải vứt bỏ hoặc bán tống, bán tháo, chấp nhận lỗ nặng. Thực tế này không chỉ xảy ra một lần và cũng không chỉ là loại trái cây thanh long, dưa hấu… mà với nhiều lần và nhiều thứ hàng hóa khác. Trong khi hàng nông sản Việt Nam khi qua biên giới phải chịu cảnh “lúc nắng, lúc mưa” thì trái cây, và nông sản khác của Trung Quốc cứ vô tư tuồn vào Việt Nam cả ngày lẫn đêm, hết tuần này sang tháng khác, một cách ngang nhiên đáng lo ngại.

Chúng ta cứ tưởng tượng, chợ Đầu mối nông sản Long Biên, Hà Nội, theo Ban quản lý chợ cho biết thì các loại rau, củ, quả, trái cây chiếm 77%; trong số đó nguồn gốc phần lớn xuất xứ từ Trung Quốc, giá chỉ bằng 50 - 60% so với giá các cửa hàng hoa quả nơi khác.

Ở chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức tuy xa biên giới Việt Nam - Trung Quốc cả ngàn cây số, lại nằm giữa vựa trái cây, nông sản của các tỉnh Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng từ lâu, trái cây, rau củ của Trung Quốc cũng đã chiếm một thị phần lớn. Qua tìm hiểu phóng viên: Hàng ngày có khoảng gần 1.000 tấn rau, củ, trái cây từ Trung Quốc đưa vào chợ Đầu mối nông sản Thủ Đức bằng cả đường bộ và đường thủy, chiếm gần 1/3 tổng số lượng hàng hóa của chợ. Qua tìm hiểu, được biết đường đi của trái cây, rau củ này là vô cùng bất cập. Nó được thu mua từ các địa phương trong nội địa Trung Quốc, vận chuyển đến bãi tập kết trong khu vực phi hải quan ở biên giới rồi sang xe theo đường tiểu ngạch vào Việt Nam, bằng một hợp đồng đã thỏa thuận trước mà không thấy được thực hiện các thủ tục Hải quan theo quy định của Nhà nước Việt Nam. Khi vào Việt Nam, nhiều loại trái cây và hàng nông sản xuất xứ từ Trung Quốc được thay nhãn mác Mỹ, Hàn Quốc, Oxtraylia, Thái Lan, thậm chí cả Việt Nam… để được phân phối đưa đi tiêu thụ khắp TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lân cận và chạy ngược ra miền Trung. Nói đến hàng hóa của Trung Quốc người tiêu dùng Việt Nam rất e ngại, không dám sử dụng. Hàng hóa không có xuất xứ nguồn gốc nên không xác định được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; không có hóa đơn chứng từ thủ tục Hải quan nên khả năng thất thu về thuế của Nhà nước là khó tránh khỏi.

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục thông tin trong các bài viết sau.

Nguyễn Xuân