Chính phủ rà soát, gỡ khó cho việc triển khai dự án bất động sản

23:37 11/04/2023

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, vướng mắc của các dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai chủ yếu liên quan đến thể chế, quy định pháp luật.

Chiều 11/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.

Báo cáo kết quả rà soát, làm việc với một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, vướng mắc của các dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai chủ yếu liên quan đến thể chế, quy định pháp luật trong quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị và xây dựng; nguồn vốn tín dụng; phát triển nhà ở xã hội, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, nhiều vướng mắc được phản ánh chủ yếu liên quan đến công tác tổ chức thực hiện như dự án có một phần đất công xen kẽ, một số dự án thuộc trường hợp “phân lô, bán nền” hoặc vướng mắc trong kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp cổ phần hóa đã có hướng dẫn cụ thể nhưng tổ chức thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật… Một số vướng mắc vừa qua đã được Chính phủ giải quyết trong Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai nhưng cũng có một số bất cập, hạn chế từ thực tiễn cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh trong thông tư, nghị định, luật… cần tiếp tục sửa đổi trong thời gian tới.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng nêu thực tế, nhiều dự án bất động sản đang bị vướng mắc, chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư, thực hiện quyền chuyển nhượng đối với các dự án nhà ở, khu đô thị; dự án xây dựng - chuyển giao (BT) phải tạm dừng sau khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực... Một trong những nguyên nhân quan trọng là do áp dụng các quy định luật thiếu đồng bộ, chưa thống nhất, chồng chéo hoặc luật chưa quy định.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thị trường bất động sản vai trò quan trọng trong “hệ sinh thái” kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng…; tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng cũng như thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, phân nhóm các vướng mắc, Phó Thủ tướng yêu cầu “xác định rõ nguyên nhân do tổ chức thực hiện ở địa phương hay do bất cập trong các thông tư hướng dẫn, nghị định, luật…; từ đó có giải pháp tháo gỡ, giải quyết”.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp phối hợp, hỗ trợ các bộ, ngành khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư hướng dẫn theo thủ tục rút gọn; đề xuất vấn đề cần sửa đổi trong các nghị định liên quan theo phương án “một nghị định sửa nhiều nghị định”; tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong quy định luật hiện hành, các trường hợp thực hiện sai luật để báo cáo và kiến nghị cấp có cấp thẩm quyền cho ý kiến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, đưa nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào các dự thảo luật liên quan (Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…) đang trình Quốc hội, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, sát thực tiễn và đề xuất những điều khoản thi hành có hiệu lực ngay khi dự án luật được Quốc hội thông qua. “Các địa phương khẩn trương rà soát, tháo gỡ ngay vướng mắc do công tác tổ chức thực hiện chưa đúng quy định pháp luật, hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2023”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Bộ Công an rà soát, xác minh, làm rõ những dự án bất động sản vi phạm pháp luật, đang tiến hành điều tra hình sự, liên quan đến tội phạm kinh tế… để phân loại, tháo gỡ, không làm ảnh hưởng đến các dự án tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

“Các cơ quan truyền thông, báo chí cần phản ánh, đưa tin đầy đủ đến người dân, doanh nghiệp về Nghị quyết 33/NQ-CP, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản nhưng không tiếp tay, hợp thức hóa những sai phạm, làm thất thoát tài sản nhà nước, giải quyết đồng bộ chính sách an sinh xã hội, trong đó có nhà ở, cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, cơ quan này cho biết báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Pháp luật đều đề nghị không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng nhận thấy đây là vấn đề nhạy cảm, có tác động lớn đến xã hội và còn những ý kiến chưa thống nhất. Do đó, cơ quan này đề nghị Thủ tướng cho phép tiếp thu ý kiến là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (bỏ các Điều 25, 26 quy định về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư).

"Tuy nhiên, có bổ sung, làm rõ các nội dung về thời hạn sử dụng, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay", Bộ Xây dựng đề xuất.

Trước đó, vào tháng 3/2023, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó đề xuất phương án quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tán thành với đề xuất này.

PV (t/h)