Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp toàn ngành trong nước giảm 1,2%

21:27 07/07/2023

Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do nhiều chi phí còn cao.

Theo thông tin được đưa ra tại hội nghị “Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm” của Bộ Công Thương cho biết, tình trạng các doanh nghiệp sản xuất thiếu đơn hàng, giá xuất khẩu giảm ở nhiều nhóm hàng như nông sản, dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép… đã ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu nói chung.

Thống kê cho thấy, xuất khẩu 6 tháng năm 2023 giảm 12,1% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so với cùng kỳ giảm sâu hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN. Theo đó, đến hết tháng 5/2023, xuất khẩu của Việt Nam giảm 12,25% so với cùng kỳ, trong khi của Thái Lan giảm 5,1%, Indonesia giảm 6%, Malaysia giảm 2,3%...

Nguyên nhân chính là việc các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Về mặt hàng, kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

Do xuất khẩu đi xuống cũng tác động ngược trở lại các ngành sản xuất của Việt Nam. Rõ rệt nhất là chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành giảm 1,2%. Riêng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 1,6% do cầu thế giới sụt giảm đối với các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, đồ gỗ...

Phân tích của Bộ Công Thương cũng cho thấy, việc phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 6 tháng đầu năm 2023 phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu do lạm phát vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt.

Bên cạnh đó, kinh tế thế giới hồi phục chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, nhất là tại một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử (như Mỹ, EU) khiến nhu cầu nhập khẩu giảm.

Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí đầu vào nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao...

Từ thực tế trên, để hoàn thành các mục tiêu trong năm nay ở mức cao nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị tập trung giải quyết các vướng mắc về vốn, về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính như kiến nghị của các địa phương với các đoàn công tác của Chính phủ trong tháng 6 vừa qua, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, duy trì tốt các chuỗi cung ứng và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các FTA mới với các nước, khu vực còn tiềm năng để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ngọc Phi (TH)