Châu Âu mở cuộc điều tra đối với các hãng công nghệ lớn

10:48 26/03/2024

Trong thông cáo về cuộc điều tra, Ủy ban châu Âu nghi ngờ rằng các biện pháp mà những công ty trên áp dụng đến nay "không tuân thủ một cách hiệu quả".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Ngày 25/3, Ủy ban châu Âu tuyên bố mở cuộc điều tra hành vi không tuân thủ Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA). Đạo luật có hiệu lực từ ngày 7/3, với một trong các mục tiêu là mở ra không gian cho những công ty nhỏ có thể cạnh tranh với các ông lớn một cách công bằng.

Sáu công ty công nghệ lớn, được gọi là "người gác cổng" gồm Alphabet (công ty mẹ Google), Apple, Meta, Microsoft, Amazon, ByteDance được yêu cầu thực hiện các biện pháp tuân thủ. Theo đó, họ phải thiết lập để người dùng dễ dàng chuyển đổi sang sản phẩm, dịch vụ của bên khác, như mạng xã hội, trình duyệt Internet và cửa hàng ứng dụng, đồng thời bảo vệ dữ liệu cá nhân người dùng.

"Chúng tôi không tin rằng các giải pháp của Alphabet, Apple và Meta tôn trọng nghĩa vụ của họ về một không gian kỹ thuật số công bằng, cởi mở hơn cho công dân và doanh nghiệp châu Âu", theo ủy viên phụ trách thị trường nội khối EU Thierry Breton.

Trong thông cáo về cuộc điều tra, Ủy ban châu Âu nghi ngờ rằng, các biện pháp mà những công ty trên áp dụng đến nay "không tuân thủ một cách hiệu quả".

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là một bộ quy tắc rộng rãi nhắm vào các công ty công nghệ lớn cung cấp “dịch vụ nền tảng cốt lõi” mà đạo luật này gán mác là “người gác cổng,” theo đó yêu cầu các công ty tuân thủ một loạt quy định.

Mặc dù có phần chưa rõ ràng, song các quy định của DMA nhằm thiết lập thị trường kỹ thuật số mang tính “công bằng hơn” và có “tính cạnh tranh hơn” bằng cách phá vỡ các hệ sinh thái công nghệ khép kín vốn bó buộc người tiêu dùng vào các sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty duy nhất.

Khi được hỏi về việc liệu cuộc điều tra có diễn ra quá sớm, khi đạo luật mới có hiệu lực hơn hai tuần, Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội khối của EU, nói: "Luật là luật. Chúng ta không thể chỉ ngồi chờ".

Cuộc điều tra dự kiến sẽ kéo dài trong một năm. Các công ty đã được yêu cầu cung cấp tài liệu và cho phép truy cập một số thông tin để phục vụ điều tra.

"Nếu kết quả cho thấy sự thiếu sự tuân thủ DMA, những người gác cổng có thể phải đối mặt mức phạt nặng", Breton nói. 

Theo quy định mới, Ủy ban châu Âu có thể áp dụng mức phạt lên tới 10% tổng doanh thu toàn cầu của một công ty. Con số này có thể tăng lên tới 20% đối với những trường hợp tái phạm.

Cuộc điều tra mới tập trung vào việc liệu Google Play của Alphabet và App Store của Apple có cho phép các nhà phát triển ứng dụng cung cấp ưu đãi miễn phí cho người tiêu dùng bên ngoài các ứng dụng đó hay không.

Alphabet cũng bị nghi ngờ về việc liệu kết quả tìm kiếm của Google có ưu tiên các dịch vụ của chính họ so với các đối thủ hay không. Google từng bị EU phạt 2,4 tỉ euro vào năm 2017 về những cáo buộc tương tự.

Giám đốc cạnh tranh của Google Oliver Bethell cho biết, Google đã có những thay đổi đáng kể trong cách vận hành các dịch vụ ở châu Âu và sẽ tiếp tục bảo vệ cách tiếp cận của hãng trong thời gian tới. Trong khi đó, Apple tỏ ra tự tin về việc hoàn toàn tuân thủ theo đạo luật mới.

Tú Anh (T/h)