Facebook chịu sức ép từ việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu

15:58 05/07/2023

Năm 2019, cơ quan chống độc quyền của Đức cho biết, Facebook đóng vai trò "thống trị" trên thị trường mạng xã hội và do đó sẽ phải tuân theo "nghĩa vụ chống độc quyền đặc biệt".

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Facebook, Instagram và WhatsApp có thể cần phải thay đổi cách thu thập dữ liệu người dùng tại châu Âu, sau khi Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (CJEU) ra phán quyết bất lợi cho công ty mẹ là Meta trong vụ kiện về vấn đề dữ liệu tại Đức.

Vụ kiện này tập trung vào một khiếu nại của Meta sau khi cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức năm 2019 đã yêu cầu “gã khổng lồ” mạng xã hội này dừng thu thập dữ liệu của người dùng mà không có sự đồng ý của họ, cho rằng đây là hành vi lạm dụng quyền lực thị trường.

Một trong những vấn đề chủ chốt trong vụ kiện này là khả năng liên kết dữ liệu trên các nền tảng với nhau của Meta, từ đó cho phép công ty này hướng các quảng cáo đến sát đối tượng người dùng mục tiêu. Cơ quan quản lý của Đức đã cấm Meta liên kết dữ liệu cá nhân thu thập được trên Facebook với những dữ liệu được thu thập từ Instagram hay WhatsApp, cho rằng điều này cấu thành hành vi lạm dụng vị thế thị trường nổi trội của Meta tại Đức.

Trong phát hiện năm 2019, cơ quan chống độc quyền của Đức cho biết, Facebook đóng vai trò "thống trị" trên thị trường mạng xã hội và do đó sẽ phải tuân theo "nghĩa vụ chống độc quyền đặc biệt".

Cơ quan này nhận thấy rằng, việc đồng ý với các điều khoản sử dụng của Facebook để tạo tài khoản, bao gồm điều khoản về thu thập dữ liệu, không có nghĩa là đồng ý miễn phí do vai trò thống lĩnh thị trường của mạng này.

Meta đã thách thức cáo buộc trên, lập luận rằng cơ quan giám sát chống độc quyền của Đức đã vượt quá thẩm quyền của mình. Cơ quan này sau đó đã đưa vụ việc lên Tòa án Công lý Liên minh châu Âu.

Về vấn đề các cuộc điều tra chống độc quyền, các thẩm phán của CJEU cho rằng, cơ quan quản lý cạnh tranh của các nước thành viên cũng có thể cần phải xem xét liệu hành vi của một công ty có tuân thủ các quy định khác nữa, chứ không chỉ những quy định liên quan đến luật cạnh tranh. 

Vì thế, CJEU ra phán quyết cơ quan chống độc quyền của Đức có quyền thực hiện các cuộc điều tra theo quy định bảo vệ dữ liệu GDPR của Liên minh châu Âu (EU), và Meta phải xin phép khi thu thập lượng lớn dữ liệu cá nhân.

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Đức đã hoan nghênh phán quyết này, trong khi Meta cho biết đang đánh giá phán quyết của CJEU và sẽ phản hồi sau. Phán quyết này có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến các nền tảng lớn khác như Google, vốn có mô hình kinh doanh quảng cáo tương tự.

Andreas Mundt, người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của Đức, đã đăng tải trên twitter: “Phán quyết sẽ có tác động sâu rộng đến các mô hình kinh doanh được sử dụng trong nền kinh tế dữ liệu”.

"Điều này có nghĩa là Meta phải tìm kiếm sự đồng ý thích hợp và không thể sử dụng vị trí thống trị của mình để buộc mọi người đồng ý với những điều họ không muốn", Max Schrems của tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền riêng tư NOYB cho biết.

Cuối tháng 3 vừa qua, Meta và Google cũng đã phải xuất hiện trước Tòa án Tối cao Brazil  để bào chữa cho một vụ kiện liên quan đến xử lý nội dung trên internet chống lại những gã khổng lồ công nghệ này.

Reuter cho hay, Meta Platforms và Google đang kháng cáo về vụ kiện năm 2017 khi một phụ nữ Brazil muốn Facebook xóa thông tin của một người dùng và kiện công ty đòi bồi thường.

Đơn kháng cáo cả 2 công ty có thể thiết lập tiền đề cho các vụ việc liên quan đến trách nhiệm pháp lý với nội dung trên Internet trong tương lai.

Minh Anh (t/h)