Chân dung vị tỷ phú đứng sau thương vụ mua lại Tạp chí Forbes

09:22 22/05/2023

Tỷ phú công nghệ ô tô Austin Russell đã mua lại 82% cổ phần của Công ty Forbes Global Media Holdings - công ty mẹ của Tạp chí nổi tiếng Forbes.

Austin Russell
Tỷ phú tự thân Austin Russell.

Trong tuần qua, Forbes đã bất ngờ đổi chủ với bên mua lại là tỉ phú 28 tuổi của làng xe Austin Russell.

Austin Russell, tỉ phú 28 tuổi, xây dựng cơ nghiệp thông qua công ty công nghệ ô tô do mình sáng lập. Tuần qua, anh đã mua lại 82% cổ phần Forbes Global Media Holdings - công ty mẹ của một trong những tạp chí tài chính danh tiếng nhất thế giới là Forbes.

Theo trang Fortune, hợp đồng giữa hai bên định giá công ty mẹ của Forbes ở mức gần 800 triệu USD. Số cổ phần thiểu số còn lại vẫn do Integrated Whale Media Investments của Hong Kong nắm giữ. 

Gia đình Forbes, ngoại trừ Steve Forbes, sẽ rút chân toàn bộ khỏi mảng kinh doanh công ty cùng tên gia đình.

Forbes về cơ bản đã được bán từ thời điểm mà tạp chí này hủy bỏ việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) vào tháng 6 năm ngoái, sau khi thị trường chứng khoán lao dốc và các nhà đầu tư không còn hứng thú với SPAC.

Tỷ phú Austin Russell không có kế hoạch tham gia vào hoạt động đưa tin tức và các hoạt động hàng ngày của Tạp chí Forbes mà thay vào đó sẽ tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng và theo đuổi các hoạt động từ thiện của mình trong doanh nghiệp.

Thời gian tới, ông Rusell sẽ thành lập một Hội đồng quản trị mới cho Forbes bao gồm các chuyên gia về công nghệ, truyền thông và trí tuệ nhân tạo.

Giám đốc điều hành Forbes Mike Federle cho rằng: "Thoả thuận này là thích hợp. Tôi cho rằng một nhà đổi mới thực sự và có tầm nhìn xa trông rộng như tỷ phú Austin Russell sẽ trở thành người quản lý mới cho thương hiệu".

Tỷ phú Russell là Giám đốc điều hành của Luminar Technologies - một công ty công nghệ chuyên cung cấp công nghệ lái xe tự động cho ngành công nghiệp ô tô và có giá trị vốn hóa thị trường là 2,1 tỷ USD.

Những người khác, đặc biệt là các cổ đông và nhân viên của Luminar, cũng cảm thấy khó hiểu đối với quyết định mua lại Tạp chí Forbes của Russell. Nhiều người lo ngại rằng anh sẽ bị xao nhãng với công ty do mình thành lập khi trở thành nắm giữ một công ty mới.

Mặc dù có không ít tỷ phú đã cùng lúc làm CEO của cả một doanh nghiệp về công nghệ lẫn một doanh nghiệp về truyền thông, tiêu biểu có thể kể đến như Elon Musk, Jack Dorsey, Jeff Bezos,… song vẫn có nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng lãnh đạo của Russell.

Austin Russell giữ kín cuộc sống riêng tư của mình. Thông tin về quá trình trưởng thành của tỉ phú tự thân trẻ nhất thế giới hiếm khi xuất hiện ở trên các phương tiện truyền thông. Ngoài thông tin về ngày sinh của Russell, vào ngày 13/3/1995, không có thông tin khác về cha mẹ và anh chị em của anh.

Anh được coi là thần đồng khi còn rất nhỏ. Khi chỉ mới 2 tuổi, Russell đã có khả năng học thuộc bảng tuần hoàn các nguyên tố. Khi tròn 13 tuổi, Russell quyết định đăng ký bằng sáng chế đầu tiên của mình cho một sản phẩm hệ thống tái chế tái sử dụng nước ngầm từ các vòi phun nước. Trong những năm thiếu niên còn lại, Russell đã tham gia vào các hoạt động nghiên cứu tại Viện laser Irvine Beckman thuộc Đại học California. Tuy nhiên, sau này anh đăng ký học tại Đại học Stanford.

Mặc dù đang theo học tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, Russell tuyên bố bản thân đã học được hầu hết kiến ​​thức bằng cách xem các video trên YouTube và đọc các trang Wikipedia. Ở tuổi 17, khi đang theo học ngành vật lý tại ĐH Stanford, Russell đã có khái niệm về Luminar.

Sau khi nhận được số tiền 100.000 USD từ Học bổng Thiel của Peter Thiel, anh đã sử dụng số tiền này để thành lập công ty của riêng mình – là công ty tiền thân của Luminar Technologies, chuyên sản xuất cảm biến cho ô tô đã sáp nhập với SPAC và niêm yết vào tháng 12/2020.

Luminar là một công ty khởi nghiệp phát triển công nghệ phần cứng và phần mềm lidar (phát hiện ánh sáng và phạm vi), sử dụng tia laser để phát hiện và đo khoảng cách, cuối cùng tạo ra bản đồ 3D về môi trường trong thế giới thực có thể được sử dụng trong xe tự lái. Cảm biến lidar của Luminar đang được sử dụng bởi nhiều hãng ô tô lớn trên thế giới như Volvo, Toyota và Intel's Mobileye.

Mặc dù Rusell thành lập Luminar vào năm 2012, nhưng anh phải mất vài năm để đạt được vị thế tỷ phú. Russell nói với CNBC rằng anh đã thành lập công ty để trở thành một doanh nghiệp bền vững lâu dài và tạo ra tương lai tự chủ cho tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới.

Đồng thời, anh cũng từng khẳng định rằng những thành công của công ty là rất khó tin, nhưng hoàn toàn hợp lý sau những nỗ lực trong suốt thời gian dài. Sau khi Luminar niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq vào tháng 12/2021, Russell đã trở thành tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới ở tuổi 26.

Giá trị vốn hoá thị trường của Luminar Technologies hiện đang ở mức 2,1 tỉ USD. Đối với hơn 50 đối tác trong ngành – bao gồm các nhà sản xuất phụ tùng gốc quốc tế lớn trong lĩnh vực ô tô trong suốt 10 năm qua, Luminar luôn là nhà phát triển nền tảng phần cứng và phần mềm tiên tiến.

Luminar được định vị là doanh nghiệp công nghệ ô tô đầu tiên cung cấp các tính năng tự động và an toàn thế hệ tiếp theo cho sản xuất ô tô, làm việc với các đối tác như Volvo Cars và Mercedes-Benz cho các dòng phương tiện tiêu dùng, Daimler Trucks cho dòng xe tải thương mại, và các đối tác công nghệ Nvidia, Mobileye của Intel.

Trong khi đó, Forbes với hơn 100 tuổi là một trong những hãng truyền thông lâu đời nhất ở Mỹ. Tỷ phú Russell đã từng được Forbes công nhận trong danh sách nổi tiếng '30 Under 30', danh sách các doanh nhân thành đạt dưới 30 tuổi.

Phương Ly (T/h)